Sản xuất chả trộn hàn the, vợ chồng chủ cơ sở lĩnh án

Ngày 21/1, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với Phạm Xu Tý (SN 1984) và Võ Thị Tuyệt (SN 1991, cùng trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) về tội 'Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm'.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2024 đến ngày 20/12/2024, tại số 41 Nhơn Hòa 12, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, Phạm Xu Tý và Võ Thị Tuyệt đã có hành vi sử dụng hàn the là phụ gia thực phẩm không nằm trong danh mục được phép sử dụng theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế) để sản xuất chế biến chả các loại rồi mang đi tiêu thụ với giá bán 180.000 đồng/1kg chả bò, 120.000 đồng/1kg chả heo, 120.000 đồng/1kg chả da heo, 120.000 đồng/1kg chả quết, với số tiền đã thu lợi bất chính 20.000.000 đồng.

Ngày 20/12/2024, khi tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất chả của Phạm Xu Tý cơ quan chức năng đã phát hiện thu giữ 518kg chả bò thành phẩm, 97kg chả heo thành phẩm, 90kg chả da heo thành phẩm, 122kg chả quết có chứa chất hàn the với tổng trị giá là 134.455.000 đồng.

Bị cáo Tý và Tuyệt tại tòa.

Bị cáo Tý và Tuyệt tại tòa.

Tại phiên xét xử Phạm Xu Tý khai, trong quá trình sản xuất, do số lượng chả sản xuất ra nhiều, không tiêu thụ hết, không bảo quản được lâu, dễ bị hư hỏng phải vứt bỏ, mất vốn nên lên mạng xã hội tìm hiểu cách bảo quản chả được lâu hơn.

Phạm Xu Tý xem được clip hướng dẫn mua hàn the trộn vào chả để tăng thời gian bảo quản, làm chả tươi hơn, dẻo hơn và đưa clip hướng dẫn cho Võ Thị Tuyệt - vợ của Tý cùng xem, sau đó Tý và Tuyệt thống nhất mua hàn the bỏ vào chả.

Vào tháng 4/2024, bị cáo đến khu vực chợ Cồn, TP. Đà Nẵng liên hệ với một người phụ nữ (chưa xác định nhân thân, lý lịch) mua 10kg hàn the với giá 300.000 đồng mang về để tại cơ sở sản xuất (số 41 Nhơn Hòa 12, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).

Do lúc đầu nghĩ bỏ ít hàn the không ảnh hưởng gì nên mới tìm cách bỏ để kéo dài thời gian. Nếu không bỏ hàn the, trong vòng 2 ngày chả để ở bên ngoài sẽ hư, chua và vứt. Nếu bỏ hàn the vào thì bảo quản được khoảng 5 ngày. Về sau có tham gia tập huấn và biết được tác hại của hàn the nhưng vì mục đích cá nhân nên vẫn thực hiện.

Trong lời nói sau cùng, cả Tý và Tuyệt đều xin HĐXX xem xét giảm án cho hai vợ chồng vì còn hai nhỏ nữa, đồng thời xin cho vợ chồng bị cáo có cơ hội khắc phục, sửa chữa lỗi.

Tang vật thu giữ trong vụ án.

Tang vật thu giữ trong vụ án.

HĐXX nhận định, bản thân các bị cáo biết hàn the có tác hại nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng cố ý thực hiện vì mục đích vụ lợi, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.

Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quy định của nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây mất an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đặc biệt là ảnh hưởng đến mục tiêu 4 an của thành phố Đà Nẵng, trong đó có an toàn thực phẩm. Hành vi của các bị cáo đã gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Do đó, cần phải xử phạt tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội, nhằm phòng ngừa, giáo dục, răn đe chung.

Trong đó, bị cáo Tý là chủ cơ sở, dự trực tiếp các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, có nhận thức rõ tác hại của hàn the nhưng vẫn cố ý thực hiện và trực tiếp đi mua hàn the về tìm cách sử dụng.

HĐXX TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Phạm Xu Tý mức án 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Võ Thị Tuyệt mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm cùng về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm". Tuyên phạt bổ sung bị cáo Tý số tiền 40 triệu đồng và bị cáo Tuyệt 20 triệu đồng.

Theo tài liệu của Cục An toàn thực phẩm, hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương gan và thoái hóa cơ quan sinh dục. Hàn the còn gây tổn thương ruột, não và thận. Phụ nữ có thai sử dụng hàn the sẽ gây độc hại cho thai nhi. Trẻ em dùng thực phẩm có hàn the sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tuyệt đối không sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm.

Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mạn tính, cụ thể: Ngộ độc cấp tính xảy ra trung bình 6 - 8 giờ sau khi ăn nuốt phải hàn the với các triệu chứng như buồn nôn, nôn; tiêu chảy; đau co cứng cơ, co giật; chuột rút vùng bụng, vật vã, cơn động kinh; dấu hiệu kích thích màng não và kích động; tróc da, phát ban, đặc biệt vùng mông, gan bàn tay, có thể có các dấu hiệu suy thận; nhịp tim nhanh, sốc trụy mạch, da xanh tím, co giật, hoang tưởng và hôn mê. Với liều 2- 5 g axit boric hoặc 15 - 30 g Borax, nạn nhân có thể tử vong sau 36 giờ.

Ngộ độc mạn tính: Sử dụng hàn the với liều lượng thấp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa chất dinh dưỡng, gây tổn thương gan, thận, não. Các biểu hiện ngộ độc mạn tính do hàn the như: mất cảm giác ăn ngon, giảm cân; nôn, tiêu chảy nhẹ; mẩn đỏ da, cùng với tróc da đặc biệt ở mông, lòng bàn tay và lòng bàn chân; rụng tóc; suy thận; cơn động kinh co giật, da xanh xao, suy nhược không hồi phục được.

Trang Trần

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/san-xuat-cha-tron-han-the-vo-chong-chu-co-so-linh-an-466925.html