Sản xuất công nghiệp bứt tốc, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Chỉ còn một địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.

Số liệu vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, bất chấp những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, sản xuất công nghiệp trong quý II/2025 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (8%) và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước lần lượt tăng là: 2,8%; 9,0%; 8,4%; -1,4%; 8,0%; 9,2%.

Mức tăng 9,2% rõ ràng là rất tích cực. Trong mức tăng chung này, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong khi đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2024 tăng 12,8%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,4%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,0% (cùng kỳ năm 2024 giảm 6,0%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng tích cực của sản xuất công nghiệp còn thể hiện ở việc sau 6 tháng, chỉ còn chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay thuộc TP.HCM) giảm so với cùng kỳ (giảm 2,6%). 62 địa phương (trước sáp nhập) còn lại đều có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao ở nhiều địa phương, trong đó cao nhất là ở Phú Thọ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao ở nhiều địa phương, trong đó cao nhất là ở Phú Thọ.

Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Chẳng hạn, công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm của Phú Thọ tăng tới 46,6%. Con số này của Nam Định là 33%; Bắc Giang là 27,5%; Thái Bình là 25,3%; Hà Nam tăng 22,8%; Vĩnh Phúc tăng 18,8%; Quảng Ngãi tăng 18,3%...

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cũng có một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Đáng chú ý trong số này, Bà Rịa - Vũng Tàu có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm giảm tới 53,6%. Đây cũng là một trong những lý do khiến tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh này chỉ đạt ở mức thấp. Nếu không tính dầu thô, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ là 2,61%.

Mức tăng trưởng thấp của Bà Rịa - Vũng Tàu đã kéo tăng trưởng GRDP của TP.HCM mới (sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) trong 6 tháng xuống chỉ còn 6,56%. Trong khi nếu tính riêng TP.HCM trước sáp nhập, mức tăng trưởng GDRD là 7,82%.

Quay trở về với tình hình sản xuất công nghiệp chung của cả nước, Cục Thống kê cho biết, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước.

Chẳng hạn, ô tô tăng 70,2%; tivi tăng 21,9%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,9%; khí hóa lỏng LPG tăng 16,9%; quần áo mặc thường tăng 14,9%; xi măng tăng 14,8%; giày, dép da tăng 14,3%; thép thanh, thép góc tăng 13,9%; đường kính tăng 12,8%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, như khí đốt thiên nhiên dạng khí - giảm 12,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo - giảm 4,9%; dầu mỏ thô khai thác - giảm 3,9%.

Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2025 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 10,8%).

Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2025 tăng 6,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 9,6%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 85,7% (bình quân cùng kỳ năm 2024 là 76,9%). Tỷ lệ tồn kho tăng cao cũng là điều đáng chú ý, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/san-xuat-cong-nghiep-but-toc-tiep-tuc-la-dong-luc-cho-tang-truong-d322653.html