Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại?

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước trong tháng 7/2022 tiếp tục đà hồi phục nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với các tháng trước đó. Đây là thời điểm doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nhưng có tính toán lưu kho dành cho xuất khẩu vào dịp cuối năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 mặc dù chỉ tăng 1,6% so với tháng 6 nhưng tăng tới 11,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%). Tính chung 7 tháng, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%), ngành sản xuất phân phối điện tăng 6,4%, ngành khai khoáng tăng 3,6%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,5%.

IIP tháng 7/2022 tăng 1,6% so với tháng 6/2022.

IIP tháng 7/2022 tăng 1,6% so với tháng 6/2022.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 68,5%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất từ cao su và plastic giảm 8,4%. Đặc biệt là các ngành khai thác chế biến khoáng sản chuyên sâu như than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế nửa đầu năm 2022 có những đợt tăng trưởng kỷ lục nhưng nay đã giảm 1% trong tháng 7.

Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng đầu năm 2022 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên cả nước nói chung, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, tết dài ngày, trong thời gian diễn ra SEA Games 31 và trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 5 tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 116,882 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống). Lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,336 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT.

Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước. Tuy nhiên trong thời gian tới, trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài hoặc sự cố xếp chồng các nhà máy điện lớn, đường dây truyền tải quan trọng. Vì vậy, khu vực miền Bắc có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm.

Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong năm 2022, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các tổng công ty điện lực bám sát tình hình phụ tải thực tế, cập nhật dự báo phụ tải năm 2022. Trên cơ sở đó, chủ động lập kế hoạch, làm việc trực tiếp với từng đối tượng khách hàng để xây dựng các giải pháp về chuyển đổi mô hình, thời gian sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp điện, tập trung vào các giải pháp khả thi, ngắn hạn có thể thực hiện được ngay.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/san-xuat-cong-nghiep-co-dau-hieu-chung-lai-662451.html