Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng dù khó khăn do COVID-19Tin khácCuộc thi 'Đại sứ Văn hóa đọc' năm 2021: Lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồngCách mạng Tháng Tám thành công - đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho con đường Hồ Chí Minh lựa chọn
Tuy sản xuất công nghiệp tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giảm 4,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% so cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,6%, cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dẫn đầu là ngành chế biến, chế tạo tăng 7%, đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Riêng lĩnh vực khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Ngoài ra, IPP 8 tháng của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; dệt và sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 8,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là thép cán (tăng 48,3%), linh kiện điện thoại (tăng 43,9%), ô tô (tăng 27,9%), sắt, thép thô (tăng 13,7%), giày, dép da (tăng 12,5%).
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận là địa phương có IIP tăng cao nhất (34,1%) do sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất chế biến thực phẩm và dệt tăng đều tăng trưởng. Kế đến là Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Ninh, lần lượt tăng 23,1%, 20,6% và 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả khả quan trên, nếu tính riêng trong tháng 8/2021, IPP ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
Do tác động của dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp của các tỉnh phía nam chịu nhiều thiệt hại, như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%…
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước./.