Sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm 2024: Nhiều tín hiệu tích cực
4 tháng đầu năm 2024, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6%
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4-2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%).
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 9 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng gần 40%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng hơn 25%; phân u rê tăng gần 24%; thép cán tăng hơn 20%; phân hỗn hợp NPK tăng gần 16%...
Xuất siêu 8,4 tỷ USD; 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Cũng theo Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, trong tháng 4-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,2 tỷ USD - mặc dù giảm 5,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD - tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).
Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2024, có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD - chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (đáng chú ý trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD).
Thị trường trong nước sôi động
Thị trường hàng hóa tháng 4 sôi động hơn do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng. Nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm, đồng thời, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá lợn hơi tăng nhẹ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4-2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng - tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của nước ta cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý như: Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7 tới và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới; từ tháng 5 bước vào cao điểm nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, dẫn đến nhu cầu điện, xăng dầu tăng đột biến...
Do đó, để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trong năm 2024, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ; tập trung triển khai các kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo...