Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực ngay từ đầu năm

Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng (tăng hơn 10% so với năm 2024). Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bám sát kế hoạch, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên chuyên cung cấp dịch vụ xử lý nhiệt tôi cao tần.

Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên chuyên cung cấp dịch vụ xử lý nhiệt tôi cao tần.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn doanh nghiệp (DN), trên 80% hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (SXCN). Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp không ít khó khăn, thách thức (như: Chính sách bảo hộ của các nước ngày càng tăng; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn chậm; thị trường bất động sản chậm phục hồi...), để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ngay từ đầu năm 2025, các DN đã bám sát diễn biến thị trường, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất và sản phẩm...

Các DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc phần lớn đề ra mục tiêu đạt doanh thu, lợi nhuận tăng từ 10-15% so với năm trước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với duy trì thị trường truyền thống (như Mỹ, châu Âu), các DN đã và đang tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Một số DN may còn chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng nhu cầu của đối tác...

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Công ty tiếp tục đẩy mạnh triển khai lộ trình hướng đến mục tiêu 100% không phát thải carbon và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện tại, đơn hàng của TNG đã được lấp đầy đến tháng 6-2025.

Không khí sản xuất tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Không khí sản xuất tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Ông Kim Yangil, Tổng Giám đốc Công ty CP Dongwha Việt Nam (chuyên sản xuất ván sàn, gỗ công nghiệp MDF), cho biết: Năm 2024, lĩnh vực xuất khẩu của Công ty đạt những kết quả tích cực. Để gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng tôi tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là Mỹ và một số nước Đông Nam Á, đồng thời mở rộng thị trường Trung Đông.

Ngoài giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều DN thích ứng bằng giải pháp đa dạng hóa ngành nghề sản xuất - kinh doanh, nhất là các DN còn gặp nhiều khó khăn như sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...

Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), cho hay: Năm 2025, Nhà máy phấn đấu sản lượng cán thép đạt 95 nghìn tấn (tăng 20 nghìn tấn so với năm 2024). Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu này, Nhà máy tập trung nghiên cứu, phát triển sản xuất sản phẩm mới là thép mỏ và thép góc lệch cạnh (tiêu thụ cho ngành đóng tàu)...

Trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên - chuyên cung cấp dịch vụ xử lý nhiệt tôi cao tần, cũng đang chú trọng đầu tư dòng sản phẩm mới. Ông Đoàn Như Hải, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Hiện nay, Công ty mở rộng nhà xưởng thêm 3.000m2, đầu tư 4 máy tiện CNC, 2 máy mài... với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng để đáp ứng năng lực sản xuất thêm dòng sản phẩm mới là linh kiện máy phát điện gió xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Hay như Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường, đơn vị chuyên sản xuất vật liệu xây dựng lớn và chuyên cung cấp sản phẩm cho các công trình trọng điểm cho tỉnh và các vùng lân cận, đã mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó có kinh doanh bất động sản.

Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty đang mở rộng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và khu đô thị. Nổi bật là Dự án Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương, giai đoạn 1 (2020-2024) với tổng mức đầu tư 305 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Phú Bình 1 với tổng mức đầu tư 1.135 tỷ đồng, Khu đô thị Phú Bình 2 với tổng mức đầu tư 982 tỷ đồng.

Đến nay, Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương đã cơ bản được hoàn thành và thu hút 3 nhà đầu tư thứ cấp (tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%); Dự án Khu đô thị Phú Bình 1, Khu đô thị Phú Bình 2 đang được hoàn thiện và sẽ mở bán trong quý II/2025.

Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng DN, các sở, ban, ngành của tỉnh cũng tăng cường giải pháp quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp. Ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp - năng lượng (Sở Công Thương), cho biết: Sở sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu...

Theo các chuyên gia, năm 2025, SXCN tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cộng đồng DN và sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương ngay từ đầu năm sẽ tạo động lực cho tăng trưởng giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/san-xuat-cong-nghiepno-luc-ngay-tu-dau-nam-9a0248d/