TPHCM phát triển phía Tây – Nam theo hướng đô thị công nghiệp và nông nghiệp kết hợp
TPHCM có kế hoạch phát triển các huyện Tây- Nam theo hướng đô thị công nghiệp và nông nghiệp kết hợp còn khu vực trung tâm, gồm 16 quận nội thành với mật độ dân số cao sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị trên tầng thượng, sân thượng, tạo không gian xanh và cải thiện chất lượng sống.
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn; chương trình phát triển nông nghiệp đô thị năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức ngày 10-1.
Cụ thể, phía Tây - Nam, gồm huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển đô thị công nghiệp và dịch vụ logistics. Tập trung phát triển các vùng sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái. Ngoài ra, khu vực này còn có lợi thế về làng nghề truyền thống như làng hoa Phước Kiểng huyện Nhà Bè và các làng nghề ở huyện Bình Chánh. Những tiềm năng này sẽ được phát huy trong tương lai thông qua việc gắn kết với sản phẩm OCOP và phát triển thương hiệu địa phương.
Đối với các huyện ở khu vực Tây - Bắc thành phố sẽ phát triển theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn với lợi thế đất đai rộng lớn, tập trung phát triển thành một đô thị nông nghiệp công nghệ cao với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã Phạm Văn Cội, Phước Vĩnh An, Phú Mỹ Hưng.
Theo đó, các sản phẩm chủ lực được triển khai trên quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau, hoa, cây ăn trái và cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Đặc biệt, Củ Chi có thế mạnh về trồng cây ăn trái ven sông, kết hợp với du lịch sinh thái, tạo nên sức hút du lịch và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, trong thời gian tới, khi khu vực này tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ biến Củ Chi và Hóc Môn thành những trung tâm nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.
Thành phố Thủ Đức, với vị trí quan trọng trong chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, sẽ phát triển thành một trung tâm khoa học và công nghệ sinh thái. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp tại đây đang dần thu hẹp, nhưng những mô hình nông nghiệp đô thị không gian hẹp vẫn có thể phát huy hiệu quả, đặc biệt là các khu công viên, khu vực cây xanh, và các vùng nông nghiệp ven sông. Khu vực huyện Cần Giờ sẽ đi theo hướng thành phố du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững.