Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực phục hồi giữa bộn bề thách thức

Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng...

Những nỗ lực của sản xuất công nghiệp đạt được trong năm 2023 rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, bước sang năm 2024, ngành công nghiệp cần tiếp tục đổi mới, khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng theo hướng bền vững hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Nỗ lực phục hồi

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, mặc dù vẫn còn khó khăn, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở 50 địa phương trên cả nước. Cụ thể, chỉ số IIP 11 tháng năm 2023 tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%); sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%...

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,8%; khai thác quặng kim loại tăng 11,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,1%; chế biến thực phẩm tăng 6,2%; dệt tăng 5,9%.

IIP mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III, đầu quý IV (so với cùng kỳ năm trước, IIP bắt đầu tăng sau 9 tháng). IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,84% - mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao có phần chững lại khi tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 86% năm 2022 xuống còn 84,9% trong 11 tháng năm 2023. Với những nỗ lực trên, có thể thấy, ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Trụ cột năng lượng ghi nhận bứt phá

Trong lĩnh vực điện lực, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất. Tuy còn xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ vào thời điểm thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan, nhưng đã được khắc phục nhanh chóng bằng nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài.

Trong năm 2023, đã khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành tổ máy 1 với 716 MW); các dự án nguồn điện và lưới điện bám sát kế hoạch. Đặc biệt, đã triển khai thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. EVN và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng và phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2023 như: Trạm biến áp (TBA) 500kV Long Thành (đấu nối 220kV), Đường dây (ĐZ) 500kV Sông Hậu - Đức Hòa (giai đoạn 2 từ VT78 - TBA 500kV Đức Hòa), TBA 220kV Cam Ranh (giai đoạn 2: XT ĐZ 220kV 2 mạch), TBA 220kV Tây Ninh và ĐZ 220kV Tây Ninh - Tân Biên, nhánh rẽ 220kV TBA 220kV Krông Ana…

Ngành than và dầu khí đều đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất so với cùng kỳ năm trước và vượt so với kế hoạch năm. Các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều ước hoàn thành vượt mức từ 5 - 31% kế hoạch năm 2023; chỉ tiêu về cấp than cho sản xuất điện tăng 16,5% so với cùng kỳ 2022.

Đáng chú ý, đối với ngành than, ngay từ các tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và bám sát tình hình cung cấp than cho sản xuất điện để kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than cho sản xuất điện và các nhu cầu sản xuất công nghiệp khác. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022, nhất là chỉ tiêu về cấp than cho sản xuất điện (bằng 94,28% so với Kế hoạch năm và bằng 116,55% so với cùng kỳ năm 2022).

Bám sát kịch bản tăng trưởng năm 2024

Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2024, với mục tiêu IIP tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, tập trung bám sát kịch bản tăng trưởng và những giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, Bộ tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm. Đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; quyết liệt triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào vận hành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm theo đúng tiến độ.

Chia sẻ về giải pháp năm 2024, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, bước sang năm 2024, ngành công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm, nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả về cung - cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp trọng tâm để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 của ngành Công Thương.

Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn, đặc biệt là các chính sách như: Sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới. Phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các mặt hàng công nghiệp. Có cơ chế tăng cường mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu. Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp ngắn hạn để bảo vệ thị trường trong nước cho ngành sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 - 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ôtô, thép, sữa, giấy, nhựa… để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục, phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-cong-nghiep-no-luc-phuc-hoi-giua-bon-be-thach-thuc-294966.html