Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tích cực

Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2025 vừa mới công bố mới đây, Cục Thống kê, Bộ Tài chính đưa ra nhận định, sản xuất công nghiệp quý I/2025, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì đà tích cực từ các quý trước và đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2020-2025.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng.(Ảnh: HNV)

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng.(Ảnh: HNV)

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng 7,8%

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và liên tục thay đổi, đặc biệt là các chính sách của Mỹ và phản ứng của các nước đã tác động không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu, thu hút FDI. Trong nước, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao, linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng 7,8% so với cùng kỳ 2024, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2024, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2020-2025.

Phân tích kỹ hơn tình hình sản xuất công nghiệp trong nước, báo cáo của Cục Thống kê chỉ rõ, các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp lớn cho tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, đều tăng trưởng khá như: nhóm ngành dệt, may, da giầy; nhóm ngành điện tử; nhóm ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ; nhóm ngành sản xuất ô tô, xe máy đều tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ 2024.

Theo địa phương, có tới 59 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố sản xuất công nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó, một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước tăng khá như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam.

Bên cạnh các ngành và địa phương tăng trưởng khá, vẫn còn một số ngành và địa phương gặp khó khăn, chỉ số IIP giảm hoặc tăng thấp như: sản xuất pin và ắc quy, sản xuất đồ uống, sản xuất thuốc lá, sản xuất thuốc, sản xuất kim loại, đặc biệt là ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục giảm sâu.

Một số địa phương sản xuất công nghiệp giảm như: Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai, Bạc Liêu; một số địa phương sản xuất công nghiệp tăng thấp như: Cà Mau, Bình Thuận, Lào Cai.

Sản xuất công nghiệp đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng vẫn có dư địa để phát triển. (Ảnh: HNV)

Sản xuất công nghiệp đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng vẫn có dư địa để phát triển. (Ảnh: HNV)

Sản xuất công nghiệp có thể gặp áp lực trong quý II/2025

Trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các địa phương và thực tế sản xuất công nghiệp quý I/2025, Cục Thống kê đã đưa ra một số nhận định về tình hình sản xuất trong quý II, đặc biệt đưa ra một số cảnh báo, cụ thể trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn khôi phục trở lại, các doanh nghiệp có thể gặp phải một số áp lực.

Bà Nguyễn Thị Hương nêu rõ, có 4 thách thức mà sản xuất công nghiệp nước ta phải đối mặt, đó là:

Tuy nhiên, với sự đồng hành của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là các phản ứng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công thương đối với chính sách áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ trong vài ngày qua rất nhanh, chúng tôi kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt và duy trì đà tăng trưởng trong quý tiếp theo.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

Thứ nhất, kết quả sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I cho thấy sản xuất tăng khá (9,5%), tiêu thụ tăng thấp hơn (tăng 5,9%, thấp hơn chỉ số sản xuất 3,6 điểm phần trăm), tồn kho cao (chỉ số tồn kho tăng 15,1% so với cùng kỳ). Lượng tồn kho cao sẽ tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp khi hàng chưa giải phóng được thì chưa doanh thu để bổ sung vốn tiếp tục cho sản xuất, do đó các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn về vốn để tiếp tục sản xuất cho các kỳ sau, có thể dẫn đến giảm sản lượng sản xuất nếu doanh nghiệp không được kịp thời bổ sung dòng tiền cho sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, với thị trường trong nước trên 100 triệu dân là rất lớn, “Nếu chúng ta không có các chính sách kích cầu trong nước mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nhu cầu thị trường trong nước không được cải thiện sẽ là áp lực đối với doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm và sẽ làm giảm sản xuất” - Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cảnh báo.

Thứ ba, đối với thị trường nước ngoài, các tiêu chuẩn, yêu cầu cao hơn về sản xuất đối với các hàng hóa xuất khẩu như sản xuất xanh, sản xuất sạch là áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị với công nghệ cao hơn, phải tuyển dụng và đào tạo lao động với yêu cầu cao hơn, nguyên vật liệu đầu vào chất lượng hơn, sạch hơn…do đó cần lượng vốn lớn hơn cho sản xuất.

Thứ tư, trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng tới 46% đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp như: điện tử, dệt, may, da giầy, gỗ, kim loại… các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực lớn về giá và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, do vậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới nếu không có sự chuyển hướng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, để duy trì nhịp tăng trưởng sản xuất như trong quý I thì các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực, các doanh nghiệp nếu không kịp thời điều chỉnh và thích ứng thì rất khó để phát triển sản xuất. “Tuy nhiên, với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là các phản ứng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đối với chính sách áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ trong vài ngày qua rất nhanh, chúng tôi kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt và duy trì đà tăng trưởng trong quý tiếp theo”- Cục trưởng Cục Thống kê nói.

LÊ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/san-xuat-cong-nghiep-tiep-tuc-da-tich-cuc-post870865.html