Sản xuất công nghiệp trong điều kiện thực hiện mục tiêu 'kép'
Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp phù hợp để thích ứng với tình hình.
Trong 5 tháng đầu năm, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động của thị trường nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh ước giảm so với cùng kỳ như: Bia, supe lân, chè chế biến, gạch ốp lát. Tuy nhiên, với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tranh thủ đà phục hồi của thị trường từ những tháng cuối năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tiếp tục phát triển, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tăng cao. Có 12/17 sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản lượng ước tăng so cùng kỳ như giấy bìa, xi măng, vải thành phẩm, quần áo may sẵn... giúp sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2021 ước tăng trên 8% so với cùng kỳ.
Để bảo đảm hoạt động sản xuất, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường bảo đảm an toàn phòng dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Các ngành chức năng chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức, sắp xếp lại phương án sản xuất kinh doanh tại các đơn vị; bảo đảm phân luồng, giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên kiểm tra, đánh giá các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc kiểm tra công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tăng cường.Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch đến người lao động, triển khai các biện pháp tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng bộ công cụ để đánh giá mức độ an toàn, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 theo bộ chỉ số, các tiêu chí quy định và cập nhật lên hệ thống. Dựa trên kết quả tự chấm điểm, các cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm an toàn cho người lao động và hoạt động sản xuất.Tại Công ty CP Việt Vương - Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì chuyên gia công cơ khí và mạ kẽm nhúng nóng có trên 250 lao động, công tác phòng, chống dịch bảo đảm cho sản xuất được chú trọng. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Công ty tiến hành kiểm soát chặt chẽ, tất cả cán bộ, nhân viên, khách hàng, đối tác đến Công ty đều phải kiểm tra thân nhiệt và khử khuẩn trước khi vào làm việc; thực hiện phun khử trùng đối với xe từ bên ngoài vào Công ty. Người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ phận bếp ăn tăng cường công tác vệ sinh khu vực bàn ăn, sàn nhà và các dụng cụ bếp ăn được vệ sinh, khử trùng hàng ngày. Công ty TNHH MTV Sơn Hà Phú Thọ - Cụm công nghiệp làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy chuyên sản xuất quần áo hiện có trên 1.400 lao động. Ông Từ Nhân Thụy - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Công ty xác định bên cạnh việc nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho chính công nhân cũng như cả cộng đồng. Vì vậy, Công ty tăng cường thực hiện các biện pháp như: Bố trí bộ phận thường trực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức đo thân nhiệt tại cổng ra, vào; bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, rửa tay sát khuẩn; công nhân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn trong quá trình làm việc...Các doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch, lựa chọn những phương án tối ưu để vượt qua thời điểm khó khăn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.