Sản xuất công nghiệp vượt khó về đích
Sau một năm nỗ lực vượt khó, kinh tế của tỉnh đã nhanh chóng phục hồi. Trong đó sản xuất công nghiệp đã về đích đầy ấn tượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tiếp tục khẳng định vai trò động lực phát triển của nền kinh tế.
Những tháng đầu năm, số ca nhiễm COVID-19 tại cộng đồng tăng nhanh, nhiều ổ dịch phát sinh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; bên cạnh đó, tình hình thế giới biến động khó lường, bị ảnh hưởng lớn bởi của cuộc xung đột Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, các doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong nhập nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, buộc phải cắt giảm thời gian sản xuất, sản lượng bị tụt giảm.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm của tỉnh chưa thể phục hồi, khôi phục sản xuất, đặc biệt như: Công ty ô tô Hyundai Thành Công gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu linh kiện bán dẫn phải cắt giảm thời gian sản xuất; Nhà máy kính Tràng An đang dừng hoạt động để sửa chữa; Nhà máy Đạm tạm dừng sản xuất để sửa chữa lớn từ ngày 15/5/2022… Do vậy, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không cao. Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 48 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,9% kế hoạch năm.
Trước diễn biến đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ, động viên một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn và thống nhất các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tiếp theo.
Đồng thời xác định rõ việc tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 6 tháng cuối năm 2022 và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể các lĩnh vực sản xuất theo ngành, địa bàn phụ trách để nắm chắc tình hình, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phục hồi tăng trưởng. Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng cả trước mắt và dài hạn. Tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, gia hạn tiến độ và tạo điều kiện cho một số dự án FDI đang triển khai dở dang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đưa vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2022.
Với việc thực thi đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp..., sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý III có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022 đạt 72.353,3 tỷ đồng, đạt 66,2% so với kế hoạch năm, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt những tháng cuối năm 2022, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh. Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp năm 2022, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Với những chính sách quyết liệt để phục hồi, phát triển sản xuất, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh những tháng cuối năm đã khắc phục khó khăn trong những tháng đầu năm. Do vậy đã duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất đạt 99.558 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2021. Đây chính là kết quả từ việc các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn tín dụng, lao động... Bên cạnh đó, phải ghi nhận sự nỗ lực rất cao của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp đã năng động tìm kiếm thị trường, thay đổi mẫu mã mới phù hợp với xu thế chung, chủ động tìm kiếm, liên kết với nhau để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nên giá trị sản xuất gia tăng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng khá so với năm 2021 như: modul camera tăng 11,9%; giày dép các loại tăng 6,2%; phân lân nung chảy tăng 6%... Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên giảm 55,2%; linh kiện điện tử giảm 30,4%; cần gạt nước ô tô giảm 28,8%; phân đạm giảm 9,7% quần áo các loại giảm 4,7%; kính nổi giảm 3,3%... Theo đó, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 4,32%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,11%; riêng sản xuất, phân phối điện giảm 9,84%; ngành khai khoáng giảm 4,24%.
Điểm nhấn quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp năm 2022 là việc Tập đoàn Thành Công hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công số 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.208 tỷ đồng, công suất thiết kế 100.000 xe ô tô du lịch/năm, nâng tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Hyundai tại tỉnh Ninh Bình đến năm 2025 dự kiến đạt 180.000 xe/năm. Điều này đã khẳng định sự đúng đắn trong những quyết sách chiến lược, bài bản, khoa học, tổng thể của tỉnh về phát triển công nghiệp bền vững từ nhiều năm trước.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất; quan tâm, hỗ trợ các dự án, nhà máy sớm hoàn thiện và đi vào sản xuất ổn định theo công suất thiết kế, nhất là phát huy có hiệu quả Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công số 2 của Liên doanh Thành Công - Hyundai tại KCN Gián Khẩu 50 ha mở rộng đảm bảo sản lượng đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm