Sản xuất dẫn dắt đà tăng trưởng GDP 2024
Đà tăng trưởng tích cực của quý III, với sự dẫn dắt của sản xuất, là một trong những yếu tố để tin tưởng GDP cả năm nay có thể đạt 6,9-7%.
Từ những kết quả đạt được của quý III/2024 với mức tăng trưởng GDP đạt 7,4%, đưa GDP 9 tháng năm tăng 6,8% đã củng cố niềm tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong năm nay.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, mức tăng trưởng quý 3/2024 vượt dự báo và từ kỳ vọng vào mức tăng trưởng khả quan trong quý 4 (dự báo ở mức 7,1%) nên tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 6,9%, tăng so với dự báo trước đó là 6,7%. Đồng thời, kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô - sản xuất dẫn dắt đà tăng trưởng mạnh mẽ, VNDIRECT cho rằng, để có dự báo con số tăng trưởng lạc quan trong quý IV/2024 là nhờ vào tín hiệu hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, dòng vốn FDI tích cực, sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, từ cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Bên cạnh đó, một số yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ trong những tháng còn lại của năm nay, từ đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Cụ thể, hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục mở rộng sẽ từng bước nâng cao thu nhập và tiết kiệm của người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn trong nửa cuối năm 2024, bao gồm thực hiện tăng lương cơ bản 30% cho nhân viên khu vực công và tăng 15% lương hưu bắt đầu từ tháng 7/2024, đồng thời giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước từ tháng 9 đến tháng 11/2024.
Với áp lực lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể khi CPI tháng 9 chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích của VNDIRECT bày tỏ: Chúng tôi kỳ vọng CPI của Việt Nam sẽ tăng ở mức bình quân 3,0% trong quý IV, tiếp tục giảm so với mức 3,5% so với cùng kỳ trong quý 3 và 4,1% so với cùng kỳ trong 6 tháng của năm 2024. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước công bố chuyển hướng sang điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong những tháng cuối năm 2024, ưu tiên hỗ trợ và tăng trưởng thanh khoản hệ thống được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, sự phục hồi của cho vay tiêu dùng và sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Từ diễn biến của nền kinh tế 3 quý đến nay, không chỉ tin tưởng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tới 6,9 -7% của năm nay mà còn là động lực để duy trì mức tăng này cho năm sau.
Theo dự báo của VNDIRECT, GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố: xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu; triển vọng tích cực của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện; và đầu tư tư nhân từng bước phục hồi. Ngoài ra, “chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ duy trì tích cực trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 8-9% so với cùng kỳ, trong khi giá trị xuất nhập khẩu tăng trưởng 9-10% so với cùng kỳ, nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và môi trường tín dụng dần nới lỏng trên toàn cầu”- báo cáo của VNDIRECT nêu quan điểm.
Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ toàn cầu khi chứng kiến 150 lần cắt giảm lãi suất so với chỉ 23 lần tăng lãi suất. Xu hướng nới lỏng này đang diễn ra ở hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, ECB (NHTW Châu Âu) và PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc). Thực tế này khiến các chuyên gia kinh tế trong nước kỳ vọng xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2025, khi lạm phát ở các nước phát triển dần dần đạt đến mục tiêu của các ngân hàng trung ước. Điều này sẽ mở ra nhiều dư địa hơn để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn tới, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng cung tiền thông qua mua vào dự trữ ngoại hối và duy trì hoặc thậm chí giảm nhẹ lãi suất điều hành để giữ lãi suất thị trường ở mức thấp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, môi trường tín dụng nới lỏng toàn cầu cũng sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư xuyên biên giới và củng cố triển vọng không chỉ đối với FDI mà cả đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam trong năm 2025.
Bên cạnh đó, triển vọng tích cực cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng là yếu tố dược kỳ vọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, môi trường tín dụng toàn cầu nới lỏng, cùng với thu nhập thực tế được cải thiện (nhờ lạm phát giảm), sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng toàn cầu ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ cho triển vọng hoạt động xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm tới. Theo đó, “chúng tôi dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng khả quan ở mức 9-10% so với cùng kỳ trong năm 2025. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong 9 tháng năm 2024 sẽ góp phần cải thiện hơn nữa hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong năm 2025”- ông Hinh nhấn mạnh.
Một động lực khác được tin tưởng tăng trưởng tốt trong thời gian tới chính là tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện. Thực tế cho thấy, xu hướng mở rộng mạnh mẽ của khu vực công nghiệp đang thúc đẩy sự phục hồi của thị trường việc làm, đồng thời cải thiện thu nhập và tiết kiệm của người dân. Xu hướng này, cùng với việc lạm phát hạ nhiệt và chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi nhu cầu nội địa trong những quý tới.
Dự báo của VNDIRECT cho rằng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tiệm cận mức 5.000 USD/người vào năm 2025, đánh dấu điểm khởi đầu của giai đoạn bùng nổ tiêu dùng (kỳ vọng) ở Việt Nam.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-dan-dat-da-tang-truong-gdp-2024-355998.html