Sản xuất giống cây trồng - Bài 1: Cầu lớn cung vẫn hạn chế
Dù đạt được nhiều thành tựu ngành giống Việt Nam vẫn còn khoảng trống khi nhiều loại cây trồng hầu như chưa có giống sản xuất chính quy hoặc phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Việt Nam là nước có truyền thống nông nghiệp lâu năm, dù tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò là bệ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp ngày càng nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn và giống cây trồng ngày càng quan trọng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều địa phương, trong đó có Tp.Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm sản xuất giống cho khu vực và xuất khẩu.
Bài 1: Cầu lớn cung vẫn hạn chế
Việc nghiên cứu, chọn lọc, giống đã được ngành nông nghiệp cũng như các địa phương chú trọng và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, sản xuất và thương mại giống hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế. Nhiều giống cây trồng chủ lực chưa được sản xuất chính quy hoặc phải phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu.
Giống vươn lên đầu chuỗi sản xuất
Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho biết, trong nông nghiệp, trồng trọt đóng góp tới 71,5% tổng ngân sách quốc nội (GDP) và xấp xỉ 45% kim ngạch xuất khẩu. Trong tổng giá trị xuất khẩu hơn 48 tỷ USD của nông lâm thủy sản, năm 2021 trồng trọt có tới 5 ngành hàng gồm: gạo, cà phê, điều, cao su và rau quả có giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD.
“Kinh nghiệm làm nông nghiệp từ lâu đã được các thế hệ đúc kết là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" nhưng ngày nay trật tự này đã thay đổi khi mà hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn thiện. Nhiều loại phân bón từ vô cơ, hữu cơ, vi sinh, sinh học ra đời hoàn toàn đáp ứng khả năng thâm canh cây trồng và cơ giới hóa với các loại máy móc từ gieo hạt đến chăm sóc, phun thuốc và thu hoạch...do vậy vị trí của giống là số một. Giống trở thành yếu tố quan trọng đóng góp lớn vào kết quả sản xuất nông sản của Việt Nam.”, ông Trần Xuân Định nhấn mạnh.
Theo ông Trần Xuân Định, việc chọn tạo giống cây trồng, đặc biệt là giống các loại lương thực đã đạt được thành tựu đáng khích lệ. Các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp đã chọn tạo, nhập nội và phát triển vào sản xuất một cơ cấu giống cây trồng mới đa dạng cho năng suất cao, chất lượng từ khá - tốt phục vụ hiệu quả cho sản xuất. Điều này góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cấu trúc ngành trồng trọt, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho nông dân.
Cụ thể, với giống lúa, các đơn vị sản xuất giống chính quy đã đáp ứng được từ 45 -80% các giống lúa xác nhận, còn lại do các hợp tác xã và nông dân tự sản xuất và chuyển vụ. Với ngô, hệ thống sản xuất giống chính quy trong nước đáp ứng từ 60 - 65% nhu cầu giống. Lượng còn lại khoảng 7.000-8.000 tấn hạt giống F1 được nhập khẩu từ các nước.
Theo kết quả rà soát của Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, năng suất cây trồng tăng lên khi áp dụng các giống cây trồng mới. Điển hình như năng suất lúa lai tăng từ 10 - 15%, lúa thuần tăng từ 8 - 10%, ngô tăng từ 15 - 22%, mía tăng từ 15 - 20%, cà phê tăng từ 30 - 35% so với dùng giống cũ.
Cùng khẳng định vai trò của giống nông nghiệp trong chuỗi giá trị, Thạc sĩ Trần Đức Luân, khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, giống là đầu vào quan trọng trong sản xuất, là then chốt trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Giống có thể thích ứng biến đổi khí hậu, giảm sâu bệnh và các yếu tố đầu vào khác; giúp thay đổi chất lượng, năng suất hoặc cả hai từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng khả năng thương mại cho nông sản.
Theo Thạc sĩ Trần Đức Luân, chi phí giống cây trồng chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng chi phí sản xuất, chỉ từ 5 % (rau) đến 13,5% (lúa). Tuy nhiên, giống lại có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng các yếu tố đầu vào khác như phân, nước, thuốc bảo vệ thực vật; quy trình canh tác. Đồng thời, tác động đến năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm đầu ra.
Nhiều khoảng trống
Dù đạt được nhiều thành tựu ngành giống Việt Nam vẫn còn khoảng trống khi nhiều loại cây trồng hầu như chưa có giống sản xuất chính quy hoặc phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam tốn khoảng 800 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại, riêng năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu gần 300.000 tấn giống cây trồng, chủ yếu là rau, hoa và giống cỏ phục vụ chăn nuôi.
Ông Trần Xuân Định cho biết, với nhóm cây công nghiệp, hồ tiêu là loại cây trồng có nhu cầu cây giống khá lớn, khoảng 42,9 triệu cây/năm. Hiện nay, có rất nhiều giống hồ tiêu được lưu hành nhưng cây tiêu giống chủ yếu do các nông hộ tự sản xuất và trao đổi hoặc mua bán trao đổi giữa các chủ vườn với nhau, không có đăng ký kinh doanh giống (chiếm gần 70% lượng giống phục vụ sản xuất).
Lượng cây giống còn lại được cung ứng thông qua trung gian và cả người bán dạo. Cả nước hiện chưa có giống hồ tiêu nào được công nhận chính thức và chưa có vườn đầu dòng, cây đầu dòng được công nhận hay bình tuyển.
Khoảng trống lớn nhất trong nghiên cứu, sản xuất giống của Việt Nam là nhóm rau, hoa với tỷ lệ nhập khẩu lên đến 90% nhu cầu gieo trồng với giá trị vài chục triệu USD/năm. Nhu cầu giống rau, đậu các loại khoảng 9.000 tấn hạt giống mỗi năm, tuy nhiên các đơn vị sản xuất giống trong nước chỉ mới cung cấp được khoảng 1.000 tấn, còn lại khoảng 90% được nhập khẩu từ các nước, chủ yếu là nhóm hạt lai F1. Đặc biệt, các loại giống rau củ như hạt cà rốt, súp lơ, su hào, bắp cải, măng tây, củ cải hầu hết nhập khẩu 100%.
Tp.Hồ Chí Minh được biết đến là vùng trồng hoa lan lớn của cả nước, nhưng các nhà vườn cũng đang gặp khó với việc tìm nguồn giống. Ông Nguyễn Thiện Nhu, Tổng quản lý trang trại hoa lan Ngọc Đan Vy chia sẻ, nhu cầu sử dụng hoa lan ngày càng tăng, không chỉ trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, chủng loại hoa lan của Việt Nam từ trước tới nay rất hạn chế, hầu hết giống lan được khách hàng ưa chuộng đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, không đáp ứng được quy tắc xuất xứ để xuất khẩu.
"Tp. Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm sản xuất cây, con giống chất lượng cao, đã có các trung tâm công nghệ sinh học, khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng hầu hết vẫn đang sử dụng giống nhập khẩu nhân bản mà chưa lai tạo được các giống mới mang thương hiệu trong nước. Đây là 'nút thắt' cần được tháo gỡ sớm nếu muốn phát triển các sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu nông sản phục vụ xuất khẩu", ông Nguyễn Thiện Nhu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc thiếu hụt giống ở một số nhóm cây trồng là do các chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực truyền thống như lúa, ngô. Nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, rau và hoa chưa được quan tâm đúng mức, một số đối tượng còn bỏ trống.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Chi hội thương mại giống cây trồng Tp.Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ cho rằng, các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít và nhất là công nghệ sản xuất hạt giống ưu thế lai với việc tạo ra các dòng thuần bố, mẹ và kỹ thuật sản xuất còn yếu kém, lợi thế cạnh tranh thấp.
Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống không chính thức.
"Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi làm hạn chế tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong chọn tạo và phóng thích giống cây trồng nông nghiệp ra lưu hành.", ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ./.
Sản xuất giống cây trồng -Bài cuối: Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-xuat-giong-cay-trong-bai-1-cau-lon-cung-van-han-che/257888.html