Sản xuất không an toàn, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp tới đâu?
Lãnh đạo doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm cho văn hóa an toàn lao động, thực thi tất cả quy trình an toàn mà doanh nghiệp đã đề ra. Lãnh đạo doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm cao nhất cho kết quả của an toàn lao động chứ không phải là nhân viên vận hành.
Chỉ trong vòng một tuần, hai vụ tai nạn lao động thương tâm đã liên tiếp xảy ra. Ngay trong ngày Quốc tế lao động 1-5, vụ nổ lò hơi tại một công ty gỗ ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 công nhân đang làm việc tử vong, 7 người bị thương. Trước đó, hôm 22-4, tại một nhà máy xi măng ở tỉnh Yên Bái, 7 người chết vì đang bảo dưỡng bên trong máy nghiền xi măng thì máy bất chợt hoạt động. Vụ tai nạn này còn làm 3 người khác bị thương.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm trên và trách nhiệm phải chăng chỉ đến từ người vận hành các quy trình sản xuất kinh doanh? An toàn lao động phải chăng chỉ là kết quả của việc tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng?
Tuân thủ an toàn lao động: thực chất hay chỉ để đối phó?
Thực tế cho thấy tại không ít các công ty vừa và nhỏ hoặc các công ty chưa có chiến lược an toàn rõ ràng, an toàn lao động dường như chỉ tập trung vào việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường làm việc, các tiêu chuẩn về công cụ lao động, an toàn thực phẩm, quy định về xử lý chất thải… được quy định trong bộ Luật An toàn, Vệ sinh lao động 2015 và điều chỉnh thông qua một số nghị định, thông tư liên quan ban hành từ năm 2016 đến nay.
Hơn thế nữa, việc tuân thủ này hầu như để phục vụ cho mục tiêu đáp ứng các điều kiện cần thiết để được hoạt động kinh doanh sản xuất thay vì nỗ lực chủ động để phòng ngừa, ngăn chặn và tạo ra các môi trường lao động an toàn… Sản xuất vận hành không an toàn không chỉ đến từ những rào cản về chi phí đầu tư mà quan trọng nhất là đến từ việc thiếu ưu tiên của lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề an toàn lao động. Những tai nạn kể trên là ví dụ điển hình cho trách nhiệm của lãnh đạo trong việc quản lý sản xuất kinh doanh.
Ở khía cạnh khác, tại môi trường doanh nghiệp ưu tiên tập trung an toàn lao động và có ưu tiên thực thi ESG, trong đó HSE (Health – Safety – Environment: Sức khỏe – An toàn – Môi trường) luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức.
An toàn lao động không chỉ là việc tuân thủ mà là một trong những cam kết mạnh mẽ liên quan đến đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đặc biệt là của lãnh đạo cao cấp nhất. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua (1) Cam kết chính thức về giá trị cốt lõi của các công ty đối với nhân viên và cổ đông, (2) Bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp trong tổ chức chuyên trách về an toàn môi trường và phát triển bền vững, (3) Chủ động phân bổ đầu tư cho vấn đề an toàn và (4) Có chính sách và quy trình hoạt động an toàn nội bộ rõ ràng.
Ở các doanh nghiệp này, an toàn không chỉ xoay quanh vấn đề sản xuất mà mở rộng qua tất cả các hoạt động (vận tải, kho bãi, xếp dỡ hàng hóa, lái xe an toàn), địa điểm kinh doanh (áp dụng cho cả khối văn phòng hoặc các hoạt động hỗ trợ an toàn cho nhân viên công ty tại nhà riêng), đối tượng áp dụng (không chỉ cho nhân viên chính thức mà với cả nhân viên thời vụ, nhà thầu hoặc các đối tác kinh doanh, vận hành)…
Sự khác biệt rõ nét ở đây chính là cấu trúc vận hành an toàn mà công ty xây dựng: các công ty không chú trọng vấn đề an toàn sẽ tiếp cận vấn đề theo cách “thụ động” – cố gắng đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của cơ quan chức năng để hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, công ty có cấu trúc vận hành an toàn sẽ hoàn toàn “chủ động” trong các vấn đề liên quan đến an toàn, từ (1) Tổ chức và phân công đội ngũ phụ trách cho từng vấn đề an toàn, (2) Thường xuyên có các hoạt động để tìm ra và ngăn ngừa đề tránh các rủi ro về an toàn, (3) Liên tục cải tiến quy trình và công cụ vận hành để chủ động phòng tránh rủi ro an toàn vả cách ly người lao động khỏi các rủi ro an toàn khi hoạt động, điển hình như các quy trình JSA (job safety analysis – phân tích rủi ro an toàn) hoặc HIRA (hazard identification and Risk analysis – Xác định mối nguy hiểm và phân tích rủi ro), và (4) Có mục tiêu an toàn cụ thể cho từng bộ phận và theo dõi báo cáo định kỳ cho tổ chức về chỉ số an toàn trong lĩnh vực họ phụ trách.
Tất cả các hoạt động trên sẽ chỉ có thể xảy ra khi có sự tham gia điều hành của lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp. Nói một cách khác, lãnh đạo doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm cho sự tồn tại và phát triển của văn hóa an toàn, cũng như trong việc thực thi tất cả quy trình an toàn mà doanh nghiệp đã đề ra.
Lãnh đạo doanh nghiệp ngoài việc ưu tiên nguồn lực còn có thể thực thi vai trò của mình qua các hoạt động kiểm tra an toàn định kỳ, hoặc tham gia vào các tiểu ban an toàn để khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ kịp thời những vấn đề nóng về an toàn trong tổ chức đó.
Văn hóa an toàn lao độnglà lợi thế cạnh tranh
Với sự đảm bảo về tính ổn định trong vận hành và việc tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh – an toàn lao động không chỉ là đáp ứng điều kiện để sản xuất kinh doanh mà còn là thực thi trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng mà doanh nghiệp đó vận hành.
Ở một khía cạnh cao hơn, an toàn lao động là một lợi thế cạnh tranh, khi doanh nghiệp không coi đây là một khoản chi phí mà là khoản đầu tư để trở nên khác biệt so với các đối thủ khác trong cùng ngành: khác biệt về thương hiệu, khác biệt về tính ổn định trong kinh doanh, khác biệt về đảm bảo sự bền vững nhờ vào việc hạn chế và hướng đến “zero harm”- hạn chế hoàn toàn rủi ro trong vận hành.
Để đạt được vị thế đó, doanh nghiệp cần có lộ trình xây dựng an toàn lao động thành văn hóa an toàn xuyên suốt trong tất cả đội ngũ công nhân viên. Có rất nhiều mô hình cũng như lý thuyết về vấn đề an toàn trong sản xuất kinh doanh nhưng hiện tại, mô hình được sử dụng phổ biến ở nhiều công ty đa quốc gia lớn vẫn là mô hình Bradley Curve của Dupont.
Mô hình này giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ tầm quan trọng của lãnh đạo trong việc xây dựng và thực thi văn hóa an toàn cũng như đánh giá hành trình phát triển và chuyển hóa về an toàn của doanh nghiệp đó thông qua việc khảo sát định kỳ tất cả nhân viên.
Điều này thể hiện sự minh bạch trong việc đánh giá văn hóa an toàn của doanh nghiệp qua bốn giai đoạn: (1) Thụ động và mang tính kiểm soát việc tuân thủ (Reactive), (2) Giai đoạn phụ thuộc vào sự giám sát vận hành của lãnh đạo (dependent, safe operations leadership), (3) Sự hoạt động độc lập của mỗi cá nhân trong sản xuất mà không cần giám sát từ lãnh đạo (Independent), (4) Cấp cao nhất là việc chủ động quan tâm đến an toàn và tạo giá trị cho người xung quanh (Interdependent)… Mô hình này không chỉ nêu rõ sự hình thành và phát triển của văn hóa an toàn, mà còn thể hiện sự tương phản tích cực về kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức theo từng thời kỳ trưởng thành văn hóa an toàn.
Quyền của người lao động và một phần quan trọng trong thực thi ESG
Khi nói về ESG (Environmental – Social – Governance: Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp), doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào công nghệ mới và các vấn đề của tương lai như sản phẩm xanh, môi trường xanh, khí thải hoặc các hoạt động liên quan đến cộng đồng vì sự liên quan trực tiếp của những yếu tố này đến thương hiệu và lợi ích kinh doanh của tổ chức.
Trong khi đó, HSE (Health – Safety – Environment: Sức khỏe – An toàn – Môi trường) là một nhân tố quan trọng nhưng lại ít được quan tâm đúng mức vì những hạn chế về ưu tiên nguồn lực cũng như sự nhận thức hoặc quyêt tâm của lãnh đạo cao nhất trong tổ chức. Khi tai nạn lao động xảy ra, chính lãnh đạo là người phải chịu trách nhiệm cho những mất mát liên quan đến tai nạn đó.
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) năm 2023, cả nước xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 699 người chết và 1.720 người bị thương. Để hạn chế các thương vong này, doanh nghiệp cần có sự tập trung và cam kết cụ thể trong việc thực hành HSE một cách có hệ thống, không chỉ vì an toàn lao động là một trong những quyền cơ bản của người lao động trong tổ chức, mà đây là nền tảng cơ bản nhất để tổ chức đó thực thi những mức độ cao hơn của ESG trong Doanh nghiệp của mình.
Với an toàn trong kinh doanh sản xuất, điểm bắt đầu chính là từ lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp – lãnh đạo là người chịu trách nhiệm cho kết quả của an toàn lao động, không phải nhân viên vận hành trong doanh nghiệp đó.
(*) Tổng giám đốc Ariston Vietnam, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu thuộc Saigon Times Club