Sản xuất kinh doanh khởi sắc, nhiều địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu thu ngân sách

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Tài chính, sáng 15/7, lãnh đạo Sở Tài chính một số địa phương chia sẻ nhiều tin vui trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước thời gian qua.

Ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội:

Ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội:

Thu ngân sách từ thương mại điện tử gần 10 nghìn tỷ đồng

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt trên 259 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách đối với hoạt động thương mại điện tử là gần 10 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Để đạt được kết quả thu chi ngân sách nêu trên là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn điều hành ngân sách.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản, rà soát giá tính thuế sát giá thị trường; quản lý thu đối với hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn đúng quy định pháp luật; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử,…

Bộ Tài chính cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, TP. Hà Nội mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, hướng dẫn và tháo gỡ một số khó khăn và kiến nghị của Thành phố.

Trong đó có việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án để cụ thể hóa, triển khai các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính – ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt tại Luật Thủ đô.

Ông Nguyễn Quốc Toàn phát biểu tại đầu cầu Lạng Sơn. Ảnh: Đức Minh.

Ông Nguyễn Quốc Toàn phát biểu tại đầu cầu Lạng Sơn. Ảnh: Đức Minh.

Ông Nguyễn Quốc Toàn - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn:

Các khoản thu đều tăng trưởng khá

Nhờ chủ động trong điều hành, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt khá so với kế hoạch giao, ước thực hiện là 5.020 tỷ đồng, đạt 68% dự toán Trung ương giao, đạt 67,1% dự toán tỉnh giao, tăng 31,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa tăng 9,8% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 142,9%. Cân đối ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Cơ cấu thu ngân sách chưa thực sự bền vững. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có những doanh nghiệp lớn. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là thương mại, xuất nhập khẩu không ổn định do phụ thuộc vào chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc.

Để hoàn thành nhiệm vụ dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, trong 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính Lạng Sơn sẽ bám sát văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thu ngân sách tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Qua đó, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào ngân sách nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

Bà Trương Thị Hương Bình phát biểu tại đầu cầu Đồng Nai. Ảnh: Đức Minh.

Bà Trương Thị Hương Bình – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai:

Thuận lợi và khó khăn đan xen

Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng qua có nhiều thuận lợi.

Đối với thu nội địa, thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn phát sinh 371 tỷ đồng.

Thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn phát sinh là 127 tỷ đồng.

Thu về lĩnh vực khác ngân sách 6 tháng đầu năm là 578 tỷ đồng. Trong đó thu tiền xử phạt là 325 tỷ đồng, thu hồi các khoản chi năm trước là 38 tỷ đồng, thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa 33 tỷ đồng,....

Đối với lĩnh vực thu xuất nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng phát sinh thuế tăng khoảng 432 triệu USD dẫn đến số thuế tăng tương ứng 1.083 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, công tác thu còn những khó khăn nhất định, xuất phát từ tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ như: Giảm khoảng 205 tỷ đồng do giảm 2% thuế suất thuế GTGT; khoảng 200 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng nhập khẩu do kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm khoảng 65 triệu USD dẫn đến số thu thuế trong những tháng đầu năm giảm, tương ứng khoảng 200 tỷ đồng.

Qua đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Do đó, nhiệm vụ thực hiện và điều hành ngân sách từ nay đến cuối năm sẽ gặp khó khăn, để có thể đảm bảo cho nhu cầu chi ngân sách địa phương.

Nắm bắt được tình hình trên, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực phấn đấu đạt chỉ tiêu dự toán HĐND tỉnh giao.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Giám đốc Sở Tài chính TP. Đà Nẵng:

Thu khá nhờ sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực

Tình hình sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực phục hồi và tăng trưởng dẫn đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhất là thu nội địa đạt khá.

Cụ thể: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố 6 tháng đạt 13.589 tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán trung ương và HĐND thành phố giao và 131,7% so với cùng kỳ.

Thu nội địa đạt 11.994,16 tỷ đồng, bằng 76% dự toán và 139,9% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.588,4 tỷ đồng, bằng 45,4% dự toán và 91,5% so với cùng kỳ.

Thu khá ở một số sắc thuế như: thuế giá trị gia tăng (bằng 133,8% cùng kỳ), thuế thu nhập doanh nghiệp (bằng 203,5% cùng kỳ), thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng 125,8% cùng kỳ)... cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản mặc dù có giao dịch trở lại nhưng chưa phục hồi có ảnh hưởng đến các khoản thu liên quan đến hoạt động này; thu xuất nhập khẩu thấp hơn so với cùng kỳ cho thấy thị trường còn gặp khó khăn, một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn qua Cảng Đà Nẵng có số thu giảm.

Trong thời gian tới, Thành phố rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương trong công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách nói chung và trong công tác triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, nhất là các chính sách mới chưa có tiền lệ như chính sách thuế, hải quan đối với khu thương mại tự do; đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa thể thao, hạ tầng chợ; cơ chế tài chính trong trao đổi bù trừ tín chỉ carbon và hỗ trợ xây dựng tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách 2026-2030 phù hợp để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố....

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/san-xuat-kinh-doanh-khoi-sac-nhieu-dia-phuong-thuc-hien-tot-chi-tieu-thu-ngan-sach-154997.html