Sản xuất, kinh doanh nông sản sạch vì sức khỏe cộng đồng

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề khiến người tiêu dùng lo ngại. Trước thực trạng trên, tỉnh đã có kế hoạch hành động quyết liệt, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm siết chặt vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm này.

Cam sành Hàm Yên được bày bán tại Siêu thị Vinmart Tuyên Quang. Ảnh: Hải Hương.

Cam sành Hàm Yên được bày bán tại Siêu thị Vinmart Tuyên Quang. Ảnh: Hải Hương.

Công ty TNHH Hà Đức (Chiêm Hóa) hiện đang tập trung chăn nuôi vịt bầu cổ xanh địa phương theo hướng hàng hóa. Tháng 5 - 2019, sản phẩm của đơn vị này đã được cấp chứng nhận VietGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ông Hà Văn Doãn, Giám đốc Công ty cho biết, chăn nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung vào việc quản lý đầu vào như thức ăn chăn nuôi, nước uống, sử dụng thuốc thú y và vệ sinh thú y… để sản phẩm chăn nuôi an toàn. Tổng đàn vịt của đơn vị này hiện đạt trên 1.000 con. Mỗi tháng, xuất bán ra thị trường hơn 700 con vịt thương phẩm và hơn 1 vạn con vịt giống. Vừa rồi đơn vị cũng đã hỗ trợ người dân xã Tân Mỹ chăn nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh Cá chiên Thái Hòa (Hàm Yên) là một trong những đơn vị điển hình trong việc nuôi cá lồng trên sông hồ theo hướng VietGAP. Năm 2017, sản phẩm của Hợp tác xã được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó giá cá bán dao động từ 450.000 - 480.000 đồng/kg, cao hơn so với thông thường từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.

Các sản phẩm từ mật ong của HTX Phong Thổ Tuyên Quang được giới thiệutại hội chợ trong dịp Lễ hội Thành Tuyên 2019.

Cũng như Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh Cá chiên Thái Hòa, Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang là đơn vị nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Chiêm Hóa với 30 lồng nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá chiên, cá nheo… đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị chăn nuôi thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 100 tấn. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện đã có nhiều nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, trong đó có 761 ha cam, 775 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất nông nghiệp bền vững Rainforest; vịt bầu Minh Hương, vịt cổ xanh Chiêm Hóa, cá lồng… Ngoài ra, tiêu chuẩn hữu cơ cũng đang được nông dân nhiều địa phương sản xuất, như cam sành ở Hàm Yên; nhiều loại rau ở Hồng Thái, Khau Tinh (Na Hang), một số xã của Lâm Bình và một số mô hình sản xuất chè, lúa ở Sơn Dương. Các nông sản an toàn hiện được nhiều siêu thị uy tín bày bán, giới thiệu, như sản phẩm rau an toàn Hồng Thái được bày bán tại Siêu thị Vinmart; rau, củ, quả thủy canh Sơn Dương, chè Kia - tăng, chè Bát tiên Mỹ Bằng, chè Tân Trào… được bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang; các sản phẩm cam hữu cơ được bày bán tại một số siêu thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, tại tất cả các xã, các hộ sản xuất nông lâm thủy sản đều đã ký cam kết sản xuất an toàn. Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, ngành nông nghiệp đang tập trung giám sát an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo nông sản an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/san-xuat-kinh-doanh-nong-san-sach-vi-suc-khoe-cong-dong-125860.html