Sản xuất lúa '3 giảm, 3 tăng' lợi nhuận tăng cao

Trồng lúa '3 giảm, 3 tăng' (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng cao.

Cánh đồng lúa xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) sử dụng giống chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Cánh đồng lúa xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) sử dụng giống chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Hiệu quả kinh tế

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Môi trường, những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã có nhiều thay đổi trong sản xuất lúa, sử dụng giống tốt, có phẩm cấp cao; áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo sạ… Bên cạnh đó, trình độ đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất của nông dân ngày càng tăng, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cho cây lúa.

Thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh, nông dân làm ruộng sử dụng máy bay không người lái (drone) ở các khâu trong sản xuất. Ông Bùi Văn Long, một người dân ở đây chia sẻ: Trước đây trồng lúa truyền thống, đến mùa sạ, nông dân ngâm ủ giống kiểu “3 sôi, 2 lạnh” (một đêm nước, hai đêm bờ), tiêu diệt lúa ma, lúa lộn và cỏ dại, nhưng tỉ lệ nảy mầm thấp. Nay sử dụng lúa chất lượng cao, tỉ lệ nảy mầm đạt 100%, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật, cánh đồng lúa không dấu chân, nông dân không tốn công bón phân, phun thuốc. Theo đó, nếu như vãi giống theo truyền thống thì 1 sào sẽ tốn 50.000 đồng, còn sử dụng drone chỉ tốn 25.000 đồng. Hơn nữa, nếu sạ tay, bà con sử dụng lượng giống lúa từ 10kg/sào, còn sạ bằng drone chỉ sử dụng 5kg lúa/sào.

Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ xã Hòa Đồng Nguyễn Thanh Minh cho hay: Xã Hòa Đồng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng máy bay không người lái ở các khâu trong sản xuất, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đạt thành tích trong phong trào thi đua Phú Yên đoàn kết, sáng tạo, nâng cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, hòa nhập quốc tế. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao tại thôn Vinh Ba và thôn Phú Phong của xã đã giúp thay áo mới cho ruộng đồng; từ năng suất 77 tạ/ha, nay tăng lên 87,5 tạ/ha, lúa trổ đòng phơi màu vàng, hạt sáng đẹp.

Theo tính toán của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ xã Hòa Đồng, việc sử dụng giống mới, cùng với việc giảm lượng giống gieo sạ bằng cách sạ hàng thay cho sạ lan, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa; lợi nhuận của sản xuất lúa chất lượng đạt trên 42,2 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình đối chứng gần 8 triệu đồng/ha. Với hiệu quả này thì cánh đồng rộng 150ha lợi nhuận tiền tỉ.

Loại bỏ lúa ma, lúa lộn

Khác với người dân xã Hòa Đồng, dọc các cánh đồng qua huyện Đồng Xuân xuống Tuy An, nhiều nông dân vẫn lấy lúa thịt sạ dày, đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dẫn tới cánh đồng lúa nhiều tầng gọi là lúa ma, lúa lộn, chất lượng gạo giảm, đặc biệt là sức khỏe con người bị ảnh hưởng trực tiếp do phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Cánh đồng xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) rộng 160ha, vụ này có 20ha sạ thưa. Ông Nguyễn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ xã An Ninh Đông cho biết: Do ruộng cuối nguồn nước tưới hệ thống thủy nông Tam Giang, hơn nữa chân ruộng gần biển nhiễm mặn nên nông dân ở đây không mạnh dạn sạ hàng sạ thưa, sợ mất giống. Vụ này HTX đứng ra vận động người dân áp dụng sạ thưa hợp lý 20ha, với lượng giống 6kg/sào.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, mô hình “3 giảm, 3 tăng” giúp thay đổi phương thức sản xuất lúa từ canh tác truyền thống sang hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào để tăng lợi nhuận, vừa giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình này đang được ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh triển khai nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Ông Nguyễn Phi Long ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đi thăm ruộng, nhìn cánh đồng lúa nhiều tầng, ông cho rằng, do nông dân lấy lúa bồ (lúa thịt) làm giống lại sạ dày, cây lúa chen lấn đứng trong ruộng nhiều tầng dẫn đến ốm yếu, phun nhiều đợt thuốc. Còn sử dụng giống chất lượng sạ thưa cây lúa phát triển đồng đều, cây to mập, ít phân thuốc, cuối vụ năng suất cao. "Thời gian qua, tôi tham gia lớp tập huấn mô hình “3 giảm, 3 tăng” nên biết rõ chuyện này", ông Long cho hay.

Cũng theo ông Long, giá lúa giống cao hơn lúa bồ, giả sử lúa bồ 8.000 đồng/kg thì lúa giống 10.000 đồng, có khi cao gấp đôi nên nông dân hay xúc lúa bồ làm giống sạ dày, dẫn đến lúa lẫn nhiều, khi trổ trên cánh đồng lúa nhiều tầng. "Tôi đi thăm đồng để ý, có đám tầng thấp chín, tầng trên chưa vào gạo; lúa chín không đều, đến khi thu hoạch phải bỏ tầng trên, trong khi mình đầu tư phân bón từ đầu vụ đến cuối vụ nuôi cả đám ruộng. Vì vậy, đầu vụ sạ nên sử dụng lúa chất lượng làm giống để loại bỏ lúa ma, lúa lộn", ông Long nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, lâu nay bà con nông dân có thói quen gieo sạ dày, đồng thời dùng lúa bồ (lúa thương phẩm) để làm giống cho vụ sau, điều này dẫn đến tình trạng trên đồng ruộng lúa có nhiều tầng do giống lúa sản xuất bị lẫn tạp, thoái hóa, khiến độ đồng đều trên đồng ruộng không cao. Mặc khác, với mật độ gieo sạ dày làm lúa sinh trưởng phát triển kém, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển dẫn đến năng suất không cao, chất lượng sản phẩm thấp trong khi chi phí đầu vào lại tăng lên. Mô hình “3 giảm, 3 tăng” giúp thay đổi phương thức sản xuất lúa từ canh tác truyền thống sang hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào để tăng lợi nhuận, vừa giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình này đang được ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh triển khai nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/san-xuat-lua-3-giam-3-tangloi-nhuan-tang-cao-58e42c1/