Sản xuất lúa liên tiếp bội thu nhờ thích ứng với biến đổi khí hậu

Đáng chú ý là 100% diện tích lúa hàng hóa trên địa bàn đã được thương lái thu mua với giá cao hơn từ 1.300 đồng đến 2.200 đồng/kg so với năm trước.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, qua các vụ sản xuất liên tiếp trong năm 2024: Đông Xuân, Xuân Hè và Hè Thu, toàn tỉnh xuống giống được trên 120.000 ha, vượt 7,8% chỉ tiêu cả năm Đến cuối tháng 11/2024, nông dân địa phương đã thu hoạch được gần 108.000 ha, năng suất bình quân 62,8 tạ/ ha và sản lượng gần 637.000 tấn lúa. Diện tích còn lại nông dân đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm nhằm chuẩn bị xuống giống tiếp khoảng 41. 000 ha trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025 tới.

Đáng chú ý là 100% diện tích lúa hàng hóa trên địa bàn đã được thương lái thu mua với giá cao hơn từ 1.300 đồng đến 2.200 đồng/kg so với năm trước. Nhờ vậy, sau mỗi vụ sản xuất, nông dân lãi ròng từ 40 triệu đến 44 triệu đồng/ha tùy địa bàn.

Thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tỉnh rút kinh nghiệm ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai những năm trước, triển khai nhiều giải pháp thích hợp nhằm đảm bảo nông dân giành các vụ bội thu, thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống theo hướng tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể là chủ động trong công tác phòng, chống hạn mặn trong mùa khô 2024 với những giải pháp phù hợp mang lại hiệu quả như: Cắt vụ Thu Đông, tổ chức lấy ngọt trữ trong nội đồng qua cống đầu mối Xuân Hòa, chuyển đổi cây trồng tại những địa bàn khó khăn nhằm giảm nhẹ thiên tai đối với vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.

Tỉnh phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, tiểu vùng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm cũng như triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ các huyện, thành phía Đông đến 2025”; trong đó, có hơn 8.800 ha trong vùng đã cắt không sản xuất vụ Thu Đông 2023 và chuyển sang sản xuất vụ Đông Xuân sớm 2023 – 2024 đã giúp tiết kiệm nước tưới tiêu, ứng phó thời tiết bất lợi trong năm.

Đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây, Tiền Giang quan tâm xây dựng lịch thời vụ sản xuất tập trung, đồng loạt né rầy và né lũ gây hại trong vụ Hè Thu. Bên cạnh đó, tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, chủ động nguồn nước tưới tiêu phòng chống hạn mặn vào mùa khô vừa phục vụ tiêu thoát lũ vào mùa mưa lũ sông Cửu Long. Đối với những địa bàn sản xuất khó khăn thì khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp hoặc đưa cây màu xuống chân ruộng, giảm nhẹ thiên tai.

Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện nạo vét 222 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất với tồng chiều dài gần 198.000 m và khối lượng đất đào đắp trên 653.000 m3. Địa phương cũng đầu tư đưa vào sử dụng 6 cống ngăn mặn đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 và cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành ra sông Tiền đã góp phần đảm bảo sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai cho hàng trăm ngàn ha đất sản xuất vùng phía Tây và Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam cũng cho biết, để nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân trong tỉnh sử dụng phổ biến các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451… Đặc biệt, ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất – tiêu thụ, bao tiêu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn tăng cường tập huấn, tuyên truyền đến tận hộ nông dân những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thâm canh; tiết kiệm nước bơm tát phục vụ sản xuất; cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm giảm thất thoát trong quá trình thu hoạch khi mưa lũ vào cao điểm,..đã thiết thực giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác trong điều kiện diễn biến khí tượng, thủy văn phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt trong mùa khô 2023 – 2024, lũ lụt và triều cường khó lường trong mùa mưa lũ.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật đang được phổ cập trong quá trình sản xuất như: chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” được áp dụng khoảng 93% tổng diện tích canh tác; xuống giống theo lịch thời vụ tập trung đồng loạt né rầy chiếm trên 90% tổng diện tích, cơ giới hóa khâu làm đất và bơm tát đạt 100%…

Đồng thời, địa phương tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất vừa ngăn mặn và triều cường hiệu quả, không để ảnh hưởng đến trà lúa, khuyến cáo nông dân bơm trữ nước trong ruộng lúa hoặc nội đồng khi có điều kiện vào mùa khô và tiêu thoát lũ, chống úng cho trà lúa vào mùa mưa lũ.

Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên quan trắc, theo dõi, cập nhật diễn biến độ mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ để có biện pháp ứng phó hữu hiệu, kịp thời, không để ảnh hưởng trà lúa trong quá trình sản xuất.

Khi mùa khô hạn và xâm nhập mặn vào cao điểm thời gian qua, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tập trung lực lượng trực 24/24 tại cống đầu mối Xuân Hòa tổ chức lấy nước phục vụ sản xuất, nâng cao mực nước trên các kênh trục chính đảm bảo tưới tiêu vừa hạn chế tình trạng sạt lở bờ kênh rạch do mực nước đồng xuống thấp.

Nhờ vậy, trong suốt vụ Đông Xuân, Xuân Hè và Hè Thu, mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt trên diện rộng cũng như thời tiết diễn biến bất lợi nhưng Tiền Giang vẫn đảm bảo nguồn nước sản xuất, tạo tiền đề cho nông dân giành những vụ bội thu.

Nguyễn Minh Trí/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-xuat-lua-lien-tiep-boi-thu-nho-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/354446.html