Sản xuất lúa theo hướng hàng hóa
Thực hiện Nghị quyết 15 - NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy khóa XX về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng hàng hóa; trong đó ưu tiên hỗ trợ sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm chất lượng cao và sản phẩm đặc sản theo quy mô hàng hóa lớn, tập trung theo chuỗi giá trị… Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết đã được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả, tạo ra những giá trị kinh tế vượt trội so với các mô hình sản xuất truyền thống trước đây.
Ngay sau khi Nghị quyết 15-NQ/TU ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu tăng diện tích sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao chiếm 55% diện tích; đẩy mạnh sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ những giải pháp thúc đẩy sản xuất; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mô hình cánh đồng mẫu tạo thành vùng sản xuất tập trung, gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các cá nhân, tập thể có khả năng tập trung ruộng đất bằng hình thức thuê, mượn lại ruộng của người dân không còn nhu cầu gieo cấy để sản xuất quy mô lớn liên kết với doanh nghiệp chế biến thóc gạo. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ máy nông nghiệp, như: máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy và giàn máy gieo mạ khay… nhằm khuyến khích sản xuất phát triển.
Bám sát định hướng chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tích cực triển khai Đề án phát triển giống cây trồng mới, trong đó lựa chọn những giống lúa mới, chất lượng có khả năng liên kết tiêu thụ qua hợp đồng với doanh nghiệp để đưa vào sản xuất trình diễn, khảo nghiệm nhân rộng. Riêng khâu gieo cấy, xây dựng và thực hiện Đề án phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020 – 2023 hỗ trợ xây dựng một số HTX, tổ dịch vụ mạ khay cấy máy, giàn máy gieo mạ, khay mạ và mô hình trình diễn lúa cấy máy… Tiến bộ khoa học – kỹ thuật cũng được đẩy mạnh áp dụng vào đồng ruộng bằng việc triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP. Việc chăm sóc cây lúa trên từng vùng, từng cánh đồng được áp dụng và tuân thủ theo bản đồ phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất được xây dựng chi tiết, giúp bảo đảm bón phân cân đối giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cao, chất lượng tốt… Cùng với đó, cơ giới hóa cũng được đẩy mạnh trong các khâu sản xuất: từ tưới, tiêu, làm đất đến thu hoạch bằng cơ giới đạt trên 90% diện tích. Riêng gieo cấy đạt khoảng 20% diện tích, có địa phương đạt hơn 40%.
Một số địa phương đã xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu lấy nước, làm đất, đến gieo cấy, phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch. Tại HTX Nhân Phúc (xã Phú Phúc, Lý Nhân) đã xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 20 ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình giúp nâng cao giá trị sản xuất từ 20 - 25% so với ngoài mô hình. Ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Phúc cho biết, sản xuất trên đồng ruộng địa phương đang có bước phát triển mới. Cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã được mở rộng trên 80% diện tích gieo cấy. Việc sản xuất tập trung bằng cơ giới giúp hình thành vùng lúa hàng hóa tập trung thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm…
Những năm qua, sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi tích cực, từng bước xóa bỏ tình trạng nhỏ lẻ, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung. Trên địa bàn tỉnh, duy trì 75 cánh đồng mẫu, với tổng diện tích hơn 1.900 ha, sản lượng thóc hơn 12 nghìn tấn. Trong đó, thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý thu mua 6.050 tấn, bằng hơn 50% sản lượng. Đáng chú ý, sau thời gian thực hiện thí điểm, một số địa phương đã mở rộng thêm được cánh đồng mẫu. Như tại xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) đã xây dựng 9 cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp hoặc thương lái, gồm: 2 cánh đồng quy mô 30 ha/cánh đồng và 7 cánh đồng quy mô từ 7 – 15 ha/cánh đồng.
Tại huyện Bình Lục có 14 mô hình tập trung ruộng đất có diện tích từ 5 – 25 ha sản xuất lúa hàng hóa tiêu thụ cho doanh nghiệp. Đặc biệt tại Văn Xá (Kim Bảng) những vụ gần đây cùng với mô hình cánh đồng mẫu, sản xuất lúa nếp hàng hóa đã được mở rộng lên trên 80% diện tích, có thôn đạt 100% diện tích. Lượng thóc nếp thu hoạch được người dân bán ngay cho các đại lý thu mua trong vùng. Theo ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN Văn Xá, phần lớn diện tích sản xuất lúa tại địa phương đã thực hiện theo hướng tập trung. Tuy chưa có hợp đồng, nhưng người dân đã gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Sản xuất lúa tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã đem lại hiệu quả cao trên đồng ruộng. Tính chung cả giá trị và lợi nhuận đều tăng từ 10 - 15% so với sản xuất nhỏ lẻ, thủ công trước đây. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu, đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 55% diện tích lúa (cả 2 vụ xuân, mùa) gieo cấy giống chất lượng cao, với sản lượng đạt trên 160.000 tấn trở thành hàng hóa, theo ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, trong điều kiện diện tích sản xuất lúa ngày càng thu hẹp, đòi hỏi sản xuất trên đồng ruộng phải có bước phát triển mới. Do vậy, thời gian tới, ngành tiếp tục xây dựng và mở rộng thêm các mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đó là hướng đi cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) sẽ là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, ổn định và bền vững.