Sản xuất máy bay F-X thế hệ mới, tại sao Nhật Bản 'chọn mặt gửi vàng' nhưng không quên 'gà nhà'?
Sau nhiều phiên thảo luận, vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo, giao trách nhiệm chế tạo máy bay F-X thế hệ mới cho tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI).
Việc từ chức đột ngột của cựu Thủ tướng Abe Shinzo cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng ít nhiều đến các kế hoạch phát triển an ninh quốc phòng của Nhật Bản. Tân Thủ tướng Suga Yoshihide hiện đang nỗ lực hết mình để lèo lái "con tàu" đất nước ổn định trong bối cảnh đối mặt với tình trạng bất ổn tiềm ẩn ngày càng gia tăng từ bên ngoài.
Nhu cầu tăng cường phòng thủ đất nước
Một trong những lĩnh vực ưu tiên cần giải quyết hiện nay của chính phủ Nhật Bản là phát triển chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, có thể thay thế các máy bay chiến đấu F-2, đồng thời hỗ trợ cho đội bay F-35 trong chiến lược tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước đồng minh.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn trên website về việc họ sẽ kiên trì theo đuổi kế hoạch quân sự trọng điểm này (hay còn được gọi máy bay thế hệ F-X), đồng thời mở rộng hợp tác công nghệ và kỹ thuật với các ‘ông lớn’ như Boeing, Lockheed Martin, BAE Systems,..
Trong bài phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng xác nhận một lần nữa rằng, nhà thầu chính là tập đoàn MHI (vốn là công ty đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với chính phủ Nhật), đồng thời cho biết thêm thời điểm triển khai gói thầu quân sự liên doanh với nước ngoài sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
Nhiều đối tác sáng giá và tiềm năng
Không có gì ngạc nhiên khi tập đoàn MHI được chọn để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới cho quân đội Nhật Bản. Trước đây, doanh nghiệp này đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất máy bay chiến đấu, đáp ứng nhu cầu của chính phủ, có thể kể đến máy bay chiến đấu đa năng F-2 và máy bay tấn công siêu thanh F-1.
Vào thời điểm công bố ý tưởng sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, Nhật Bản chủ trương ưu tiên chọn đối tác là “gà nhà”, nhưng cũng phải đáp ứng được tiêu chí sánh vai với các tập đoàn sản xuất máy bay đồng minh quốc tế. Tập đoàn MHI được đánh giá hoàn toàn phù hợp với những điều kiện và luật pháp Nhật Bản. Bởi, họ là công ty hàng không nội địa dày dạn kinh nghiệm về sản xuất máy bay chiến đấu, vừa có đủ sức mạnh và trình độ để làm việc cùng với những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp quân sự thế giới.
Trong suốt 136 năm hình thành và phát triển, MHI trở thành trụ cột trong lĩnh vực hàng không của Nhật Bản. Tập đoàn này đã từng chế tạo chiếc F-2, được phát triển dựa nguồn gốc từ chiếc F-16 của Mỹ. Ngoài ra, máy bay chiến đấu F-1 nổi tiếng những năm 1960 cũng do MHI sản xuất. Không chỉ vậy, công ty còn tiến hành sản xuất máy bay F-4EJ Phantom II và các máy bay chiến đấu F-15J Eagle.
Ngoài doanh nghiệp nội địa là MIH, cuộc chạy đua cạnh tranh vị trí đối tác nước ngoài trong dự án trên có thể sẽ diễn ra giữa các công ty hàng không vũ trụ nặng ký như Lockheed Martin (Mỹ) và BAE Systems (Anh). Ngoài ra, Boeing và Northrop Grumman cũng đang gấp rút chuẩn bị mọi nguồn lực để tham gia vào cuộc tuyển chọn.
Chọn mặt gửi vàng, Lockheed Martin (Mỹ) có khả năng cao nhất
Đầu năm nay, Cơ quan Tiếp nhận Công nghệ & Hậu cần Nhật Bản (ATLA) đã đưa ra một tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng đang thảo luận với Mỹ và Anh về khả năng hợp tác với hai quốc gia này trên quan điểm ‘đảm bảo khả năng tương tác, hiệu quả chi phí và độ tin cậy kỹ thuật’.
Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, một trong những yếu tố quan trọng của chương trình chung sẽ là chia sẻ công nghệ tàng hình. Vì vậy, điều kiện tiên quyết là máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo phải có khả năng tàng hình tiên tiến nhất.
Trong khi đó, Lockheed Martin nổi tiếng là doanh nghiệp hàng đầu ở lĩnh vực công nghệ tàng hình, thể hiện xuất sắc qua những chiếc F-35, F-22 Raptors, Nighthawks và SR-71 Blackbird. Vậy nên tập đoàn này sẽ có lợi thế hơn với bất kỳ hãng hàng không vũ trụ nào khác.
Bên cạnh đó, Lockheed Martin không chỉ lợi thế sản xuất máy bay chiến đấu tiêu diệt radar, mà còn có mối quan hệ cung cấp sản phẩm máy bay F-35 cho Nhật Bản, cũng như đã từng hợp tác với MHI để sản xuất chúng.
Nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể sự hợp tác giữa MIH và Lockheed Martine sẽ mang tính chất tương tự như chương trình máy bay chiến đấu F-2. Được biết trong quá khứ, MHI hợp tác với Lockheed Martin để phát triển máy bay chiến đấu đa năng, dựa trên F-16, với tỷ lệ 60-40. Hơn nữa, Lockheed Martin và MHI tiếp tục hợp tác chương trình kiểm tra và bảo trì FACO cho biến thể F-35A của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản JASDF ở Nagoya.
Về phía Nhật Bản, họ cũng có thể cân nhắc tăng cường mối quan hệ phòng thủ với Vương quốc Anh, bằng cách trở thành một đối tác tiềm năng cho Chương trình Hệ thống Phòng không Chiến đấu Tương lai Tempest thế hệ thứ sáu. Chương trình này được cho là có sự tham gia của hầu hết các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn trong ngành như BAE Systems, Leonardo UK Arm, MBDA, Rolls-Royce, DE&S, Saab, và Không quân Hoàng gia.
Theo đánh giá, đề nghị hợp tác từ Vương quốc Anh sẽ mang lại cho Tokyo nhiều kinh nghiệm và bước tiến mới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cụ thể là tiến đến hợp tác máy bay F-3.
Ước tính kinh phí cho chương trình máy bay F-X thế hệ mới rơi vào khoảng 40 tỷ USD, mức cao nhất cho đến nay. Được biết yêu cầu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm tài chính 2021 là khoảng 55 tỷ USD.
(theo Eur Asian Times)