Sản xuất nấm an toàn: Hướng đi hiệu quả của HTX Thuận Phát
Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, nhưng Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong trồng nấm theo hướng an toàn.
Bà Triệu Thị Lý, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2012, khi còn là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tràng Phái, tôi đã tham gia lớp học nghề trồng nấm, nhận thấy mô hình có triển vọng lại chưa ai làm, tôi đã bắt tay trồng thử nghiệm với quy mô gia đình. Năm 2016, tôi đăng ký thành lập tổ hợp tác trồng nấm với 7 thành viên. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến tháng 7/2022, từ tổ hợp tác, tôi đã đăng ký thành lập HTX trồng nấm theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn với 10 thành viên.
Để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, sạch và an toàn, năm 2022, HTX chủ động đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nấm rộng 2.500 m2 với kinh phí 2 tỷ đồng gồm: hệ thống lò hơi, phòng bảo ôn, lò hấp thanh trùng, hệ thống tưới phun sương tự động. Theo đó, toàn bộ quá trình sản xuất nấm được thực hiện trong nhà xưởng.
Từ khi trồng cho đến thu hoạch nấm, HTX không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản nên loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung ứng ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến đầu năm 2023, HTX đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO (thành phố Cần Thơ) cấp giấy chứng nhận phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt.
Theo đó, nấm sò sau 30 ngày sẽ cho thu hoạch, còn nấm rơm sau 18 ngày. Vào mùa hè, trung bình một ngày, HTX sẽ tiêu thụ 60 – 70 kg nấm, còn mùa đông, HTX tiêu thụ khoảng 2 tạ nấm/ngày, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, HTX có liên kết phân phối tiêu thụ với điểm bán hàng tại đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Doanh thu của HTX từ đầu năm 2023 đến nay đạt trên 500 triệu đồng, dự kiến hết năm đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, thu nhập các thành viên HTX đạt 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nông Thị Đại, thành viên HTX cho biết: Từ khi tham gia HTX, tôi có thu nhập ổn định hơn, trung bình đạt 8 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, tôi còn được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, từ đó, có thêm kiến thức để thời gian tới đưa nấm về trồng tại hộ gia đình.
Nói về định hướng thời gian tới, bà Triệu Thị Lý, Giám đốc HTX Thuận Phát cho biết: Để cung cấp sản phẩm quanh năm ra thị trường, thời gian tới, HTX sẽ xây dựng thêm 2 dãy phòng bảo ôn để trồng nấm rơm và mở rộng trồng thêm các loại nấm: linh chi, mộc nhĩ. Đồng thời, tận dụng bã nguyên sau khi thu hoạch nấm để sản xuất phân hữu cơ, cung ứng cho bà con nông dân trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên HTX.
Ông Chu Văn Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Mặc dù mới thành lập nhưng HTX Thuận Phát đã hoạt động ổn định và có hiệu quả, tạo thu nhập cho các thành viên. Đầu năm 2023, nấm rơm của HTX đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần quan trọng hình thành đa dạng các sản phẩm tại địa phương và là mô hình có triển vọng nhân rộng trên địa bàn.
Với hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội phát triển bền vững cho HTX, thúc đẩy phát triển diện tích trồng nấm trên địa bàn huyện, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.