Sản xuất nhiên liệu hàng không sạch chậm tiến độ

Việc mở rộng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang bị chậm tiến độ so với mục tiêu năm 2030 do chi phí cao và tình hình kinh tế bất ổn.

Chi phí sản xuất cao vẫn là rào cản chính đối với việc mở rộng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Ảnh minh họa

Chi phí sản xuất cao vẫn là rào cản chính đối với việc mở rộng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Ảnh minh họa

Việc mở rộng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang diễn ra chậm hơn dự kiến do chi phí cao và tình hình kinh tế bất ổn, khiến nguồn cung nhiên liệu máy bay sạch trên toàn cầu đi chệch hướng so với mục tiêu năm 2030, theo một báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group (BCG).

Theo báo cáo được Reuters trích dẫn, các hãng hàng không và sân bay trên thế giới chỉ đầu tư từ 1 - 3% doanh thu hoặc chi phí vốn của họ vào SAF.

BCG nhận định rằng, chi phí sản xuất cao vẫn là rào cản chính đối với việc mở rộng sử dụng SAF.

“Mặc dù quy mô sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững vẫn đang được mở rộng, chúng tôi thấy rõ xu hướng đó, nhưng tốc độ phát triển các dự án đang chững lại và khoảng cách giữa cam kết của một số công ty với thực tế ngày càng lớn”, ông Pelayo Losada, Giám đốc Điều hành và Đối tác của BCG, đồng tác giả báo cáo, cho biết.

Năm ngoái, Shell, một trong những tập đoàn dầu khí và năng lượng lớn nhất thế giới, đã tạm dừng xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Rotterdam, Hà Lan do điều kiện thị trường không thuận lợi. Nhà máy này được thiết kế để sản xuất SAF và dầu diesel tái tạo từ chất thải.

Năm 2023, ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết ngành hàng không đã chấp nhận thực tế rằng SAF sẽ luôn đắt hơn nhiên liệu máy bay truyền thống làm từ dầu mỏ.

Cuối năm 2024, IATA nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng sản lượng SAF vẫn "đáng thất vọng".

Năm ngoái, sản lượng SAF toàn cầu đạt 1 triệu tấn, gấp đôi mức 500.000 tấn của năm 2023. Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất của IATA, SAF vẫn chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng nhiên liệu hàng không toàn cầu và 11% tổng sản lượng nhiên liệu tái tạo.

“Các nhà đầu tư vào thế hệ nhiên liệu mới dường như vẫn đang chờ đợi những đảm bảo về lợi nhuận trước khi tăng tốc”, ông Walsh nhận định.

Theo phân tích của IATA, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới cần xây dựng từ 3.000 đến hơn 6.500 nhà máy sản xuất nhiên liệu tái tạo mới.

IATA ước tính rằng, trong kịch bản lạc quan nhất, mức vốn đầu tư trung bình hằng năm để xây dựng các cơ sở này trong vòng 30 năm tới sẽ khoảng 128 tỷ USD.

Mai Hương

Theo oilprice.com

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-nhien-lieu-hang-khong-sach-cham-tien-do-380448.html