Sản xuất nông nghiệp Thủ đô: Hiệu quả cao nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại

Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động 'nâng cấp' hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, ứng dụng công nghệ số với quy mô lớn.

Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã chủ động “nâng cấp” hoạt động sản xuất nông nghiệp; đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lợi ích kép

Một trong những ứng dụng khoa học - công nghệ đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực nông nghiệp Thủ đô là mô hình sản xuất mạ khay cấy lúa bằng máy. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, trong vụ Xuân 2024, diện tích gieo cấy lúa áp dụng mạ khay, cấy máy trên địa bàn thành phố đạt khoảng 14%. Mô hình này đã triển khai tại các huyện như: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì...

“Vụ Xuân vừa qua, gia đình tôi đã áp dụng mô hình dây chuyền gieo mạ khay, cấy máy trên giống lúa Đài Thơm 8 thì thấy mạ được gieo đúng khoảng cách, lượng giống sử dụng giảm hơn, ruộng lúa thông thoáng, bộ rễ phát triển mạnh và hấp thụ dinh dưỡng tốt, hạn chế sâu bệnh. Cây lúa phát triển đồng đều, ít bị sâu bệnh. Năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống trên 10%”, ông Nguyễn Văn Nam, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, dự tính trong hai năm 2024 - 2025, thành phố sẽ chi khoảng 37 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện mua 201 máy cấy lúa. Trong đó, năm 2024 là 89 máy (hơn 16,5 tỷ đồng) và năm 2025 là 112 máy (gần 20,6 tỷ đồng). Khi người dân ứng dụng mô hình này sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí lao động, đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Mô hình sản xuất mạ khay cấy lúa bằng máy đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Hồng

Mô hình sản xuất mạ khay cấy lúa bằng máy đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thanh Hồng

Ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) cho biết, để tiết kiệm chi phí, nhân công lao động, vụ Xuân 2024, HTX sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ trên diện tích gần 400ha. Việc cơ giới hóa trong làm đất, ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ mang lại rất nhiều lợi ích. Cây lúa không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, mà còn giảm chi phí và cho giá trị cao gấp 2-3 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.

Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc HTX Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) cho biết, HTX Rau sạch Chử Tâm chuyên sản xuất các loại rau ăn lá gồm: Rau cải, các loại rau muống, rau bí, rau mồng tơi, rau gia vị... và các loại củ, quả là bầu, cà tím, cà chua, dưa chuột, đậu, cà rốt... Với mục đích đưa nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất như: Tưới phun, nhỏ giọt, gieo trồng trong nhà kính, nhà lưới và ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói. Ngoài ra, HTX còn ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Hiện tại, mỗi ngày HTX cung ứng cho thị trường từ 2 đến 3 tạ rau sạch, doanh thu đạt 50-70 triệu đồng/tháng.

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội), áp dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng mà Trung tâm đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân. Thông qua tập huấn, các HTX, nông dân được hướng dẫn cách xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất, triển khai hệ thống giám sát bằng công nghệ thông minh và cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

Tại các buổi tập huấn, trung tâm cũng giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhất là trang bị cho người sản xuất kỹ năng đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hiện ngày càng có nhiều mô hình đưa cơ giới hóa, công nghệ số vào sản xuất, làm thay đổi thói quen canh tác của người nông dân.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thị trường số là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp, cần có sự chung tay, hỗ trợ của các ngành chức năng để ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Mặc dù hiệu quả đã rõ, song việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất còn gặp không ít khó khăn, do quy mô nhỏ lẻ, trình độ của người nông dân không đồng đều, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại.

Để khắc phục những tồn tại trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện trang trại Mê Linh F-Farm (huyện Mê Linh) nêu kiến nghị, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, thành phố cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng, hình thành sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm để tái sản xuất.

Hệ thống trang trại Mê Linh F-Farm ứng dựng công nghệ cao khép kín trong sản xuất hoa lan. Ảnh: Trọng Tùng

Hệ thống trang trại Mê Linh F-Farm ứng dựng công nghệ cao khép kín trong sản xuất hoa lan. Ảnh: Trọng Tùng

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ canh tác. Theo đó, sở sẽ hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội ngày 4/7/2023 về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội, thành phố cũng sẽ cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024-2025 từ nguồn ngân sách của thành phố. Theo đó, UBND TP. Hà Nội bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân, HTX, doanh nghiệp đưa công nghệ số vào sản xuất.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan, giúp người dân nắm bắt kiến thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số. Các địa phương xây dựng chương trình, dự án, mô hình điểm về công nghệ số đối với cây trồng chủ lực, sau đó nhân rộng mô hình, quảng bá sản phẩm và từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại hơn.

Hải Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-nong-nghiep-thu-do-hieu-qua-cao-nho-ung-dung-cong-nghe-hien-dai-351402.html