Sản xuất nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL: Cần nguồn lực lớn
Tại tỉnh Cà Mau, một số mô hình nông nghiệp thuận thiên triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân.
Trước tác động nặng nề của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đưa ra nhiều giải pháp ứng phó, trong đó giải pháp nông nghiệp thuận thiên được cho là hiệu quả nhưng đòi hỏi nguồn lực lớn.
Phong phú mô hình
Tại tỉnh Cà Mau, một số mô hình nông nghiệp thuận thiên triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.
Có thể kể đến như: Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi; nuôi tôm thâm canh ghép với cá rô phi; nuôi tôm dưới tán rừng, mô hình lúa - tôm; nuôi tôm kết hợp sò huyết, nuôi vịt biển thích ứng biến đổi khí hậu; nuôi gà an toàn sử dụng đệm lót sinh học;...
Trong các mô hình kể trên, mô hình lúa - tôm được triển khai phổ biến, rộng rãi với diện tích gần 40.000 ha. Ông Chung Minh Sơn, xã viên Hợp tác xã dịch vụ lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) nhận định, mô hình sản xuất lúa - tôm là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận theo tự nhiên có ở Cà Mau nói riêng, các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung từ rất lâu.
Đặc trưng của mô hình này là sự luân phiên giữa hai mùa: Mùa mưa nước ngọt (khi nước ngọt các mầm bệnh của hệ sinh thái mặn sẽ bị tiêu diệt hết nên nuôi tôm ít bị bệnh không phải dùng thuốc và thức ăn tôm hoàn toàn tự nhiên), đến khi mùa khô nước mặn (khi có nước mặn các bệnh trên cây lúa cũng bị tiêu diệt hết nên trồng lúa không cần phải dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học), từ đó tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả cây lúa và con tôm sinh trưởng.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm liên kết với nông dân vùng sản xuất lúa - tôm cho biết, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi có thể cho năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 5 đến 8 tấn lúa và từ 300 đến 1.000 kg tôm, thu nhập mỗi năm từ 250 đến 500 triệu đồng/ha.
“Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập đã tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình lúa - tôm. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất.
Chính điểm độc đáo, mang tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên này đã giúp mô hình lúa - tôm trở nên bền vững, gần gũi với môi trường của vùng ĐBSCL”, ông Quang chia sẻ.
Ngoài ra, các tỉnh, thành của vùng ĐBSCL còn có nhiều mô hình sản xuất thuận thiên đặc trưng được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Tại tỉnh Đồng Tháp có mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; mô hình thâm canh xoài theo hướng hữu cơ; mô hình lúa - sen, cá - sen; mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống điện năng lượng Mặt trời; mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt... Tại tỉnh An Giang có mô hình trồng bắp - nuôi bò thịt ứng dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn; mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu...
Còn tại tỉnh Bến Tre có mô hình trồng chôm chôm, sầu riêng theo hướng an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình sản xuất tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng an toàn sinh học; nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt; mô hình sản xuất, ương nghêu giống thích ứng biến đổi khí hậu; nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa, vườn dừa...
Còn nhiều khó khăn
Dù có sự phong phú về mô hình nông nghiệp thuận thiên, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, việc triển khai thực hiện, nhân rộng cũng như nâng cao hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên vẫn còn gặp khó khăn.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mô hình lúa - tôm ở Cà Mau dù đạt hiệu quả, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, chưa chủ động được nguồn nước cấp, nhất là những năm mùa khô gay gắt. Mặt khác, việc sản xuất lúa – tôm của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành thửa ruộng lớn, cánh đồng lúa - tôm lớn; chưa liên kết với nhau thành hợp tác xã kiểu mới. Muốn giải quyết được những vấn đề này phải cần nguồn lực lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Ông Đoàn Văn Đẳng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ, một trong những khó khăn trong thực hiện nông nghiệp thuận thiên hiện nay là về năng lực thích ứng, hệ thống công trình thủy lợi chưa được khép kín, dự án quản lý nước vẫn chưa hoàn thành; năng lực cảnh báo xâm nhập mặn chưa hoàn chỉnh; hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước của tỉnh Bến Tre hiện đang trong quá trình khắc phục, chưa vận hành chính thức.
Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra ô nhiễm môi trường nước cục bộ trong các đê, đập ngăn dòng trữ ngọt ứng phó xâm nhập mặn do tỉnh chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở các đô thị, thị trấn.
Trước những khó khăn trên, các tỉnh, thành ĐBSCL đã có đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các chính phủ song phương, các tổ chức quốc tế, các quỹ tài chính, doanh nghiệp nước ngoài... nhằm huy động tối đa nguồn thực hiện hiệu quả nông nghiệp thuận thiên.
Tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư thực hiện các công trình thủy lợi quan trọng đến năm 2030 đã xác định danh mục, trong đó đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230 km đê bao, bờ bao; 29 công trình cống, ước tính nhu cầu kinh phí cần được hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tỉnh Sóc Trăng đề xuất phương án “Xây dựng hồ chứa nước ngọt thuận thiên” đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030. Tỉnh An Giang đề xuất Dự án “Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL - tỉnh An Giang” có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng…
“Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát, thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Đã đến lúc cơ quan quản lý, các nhà sản xuất nông nghiệp và nông dân cần chuyển đổi sang các phương thức sản xuất thuận thiên nhằm tái tạo, phục hồi thiên nhiên, vì sự phát triển hiệu quả, bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam”.