Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các vùng tái định cư
Đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành 28/28 dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc nguồn vốn dư sau quyết toán Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Các dự án đã góp phần nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.
Thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, toàn tỉnh có 346 khu, điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép thuộc 8/12 huyện, thành phố, với gần 12.600 hộ di dân. Cùng với việc bố trí tái định cư cho các hộ di dân, tỉnh ta đã triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là các dự án hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhằm định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, khuyến khích các hộ liên kết sản xuất tập trung, tạo động lực để các vùng tái định cư phát triển. Tùy vào đặc điểm thế mạnh của từng vùng, dự án đã hỗ trợ triển khai các mô hình, như: Nuôi cá lồng, nuôi gia cầm, trồng và cải tạo vườn cây ăn quả bằng giống chất lượng cao, các mô hình tưới ẩm và đầu tư hệ thống tưới ẩm, công trình thủy lợi... với tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng.
Để khai thác tiềm năng lợi thế các vùng lòng hồ, năm 2017, tỉnh đã triển khai 6 dự án nuôi cá lồng tại các điểm, khu tái định cư của huyện Thuận Châu và Mường La. Đến nay các khu, điểm tái định cư không chỉ duy trì mô hình mà còn mở rộng quy mô, liên kết thành lập các HTX nuôi thủy sản. Tìm hiểu ở xã Chiềng Lao (Mường La), xã hiện có 2 HTX và 76 hộ gia đình nuôi cá lồng với tổng số gần 290 lồng nuôi; nghề nuôi cá lồng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho bà con. Ông Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh, cho biết: Thời điểm mới thành lập, HTX được hỗ trợ 200 triệu đồng để thực hiện dự án cá lồng, HTX đã đầu tư lồng cá kiên cố, mở rộng quy mô nuôi không chỉ có cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng, mà còn mở rộng nuôi một số loại cá đặc sản, như nheo, lăng vàng, trắm đen. Hiện HTX đang có 7 thành viên, với tổng số hơn 70 lồng cá, sản phẩm của HTX được thương lái đến thu mua giá bán từ 40.000 đồng/kg - 90.000 đồng/kg tùy loại, doanh thu hàng năm đạt gần 400 triệu đồng, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương và đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Bên cạnh đó, các hộ dân vùng di dân tái định cư còn được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, khu vực. Đồng thời, bà con được học các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật ghép, cải tạo vườn tạp, thực hiện các mô hình tưới ẩm, tưới tự động... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Điểm nổi bật khi thực hiện các mô hình trồng, ghép cải tạo vườn cây ăn quả, ngoài các mô hình Nhà nước hỗ trợ, đã tạo ra phong trào thi đua sản xuất trong các hộ dân để chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Điển hình như xã Hát Lót (Mai Sơn) có 8 điểm tái định cư tập trung và xen ghép, từ các mô hình đã giúp bà con chuyển hướng sản xuất từ thâm canh các loại cây lương thực truyền thống sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Hiện toàn xã, có 1.560 ha cây ăn quả các loại, chiếm gần 50% diện tích sản xuất, trong đó có 12 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp vừa liên kết các hộ sản xuất tập trung, vừa tìm kiếm đầu ra đảm bảo thu mua và bao tiêu sản phẩm, hiện thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 34 triệu đồng/năm.
Với việc đẩy mạnh triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các vùng tái định cư thủy điện Sơn La đã và đang phát huy được lợi thế địa phương trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.