Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên đất Đồng Du
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, năm 2019, Hội Nông dân (HND) xã Đồng Du (Bình Lục) đăng ký xây dựng, triển khai thực hiện mô hình 'Dân vận khéo' trong 'Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao'. Qua quá trình nỗ lực thực hiện, năm 2022, mô hình được công nhận mô hình 'Dân vận khéo' cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, năm 2019, Hội Nông dân (HND) xã Đồng Du (Bình Lục) đăng ký xây dựng, triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Qua quá trình nỗ lực thực hiện, năm 2022, mô hình được công nhận mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch HND xã Đồng Du cho biết: Phát huy lợi thế xã nông nghiệp, những năm qua, nông dân xã Đồng Du đã tập trung phát triển các mô hình, như: Trang trại đa canh ở thôn Đồng Tâm; trồng rau màu, cây ăn quả ở thôn An Bài và thôn Nội... đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, xã Đồng Du đã quy hoạch vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trong toàn xã với diện tích 25,58ha. Quy hoạch đã được UBND huyện Bình Lục phê duyệt, trong đó có khu vực Bãi Quắn, thuộc thôn An Bài 2, nơi HND xã lựa chọn triển khai thực hiện mô hình “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia HTX Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Qua tìm hiểu được biết, khu vực Bãi Quắn là đất phù sa, giáp sông Châu, thuận tiện cho việc tưới tiêu. Trước kia, trên diện tích này các hộ dân chủ yếu trồng ngô, lạc, rau màu các loại... hiệu quả kinh tế không cao. Nắm bắt được nhu cầu của một hội viên nông dân mong muốn được thuê đất ở khu vực Bãi Quắn để trồng cây ăn quả, chủ lực là cây nho (nho Hạ Đen và nho mẫu đơn), HND xã đã tích cực vận động thêm các hộ có nhu cầu trồng cây ăn quả trong vùng chuyển đổi thuê đất để trồng cây ăn quả. Sau khi có 7 hộ nhất trí thuê lại đất tại khu vực Bãi Quắn, HND xã đã hướng dẫn các hộ xây dựng Đề án sản xuất, kinh doanh báo cáo lãnh đạo xã và HND huyện. Cùng với đó, phối hợp với HTXDVNN An Bài và thôn An Bài 2 tuyên truyền, vận động các hộ trong vùng cho thuê lại đất. Tháng 11/2019, 7 hộ đã thuê được 5 ha, thời gian thuê 20 năm, giá thuê là 120kg thóc/năm.
Vườn nho Hạ Đen của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du đang cho thu hoạch. Ảnh: Vĩnh Linh
Sau khi hoàn thành thuê đất, các hộ bắt tay ngay vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để trồng nho, thanh long, bưởi, bí ngô... Xác định nho là cây chủ lực. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, mong muốn thành lập HTX ít thành viên của các hộ thuê đất đã nhận được sự nhất trí, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền. Sau thời gian được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, ngày 16/6/2020 HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Đồng Du được thành lập. HTX có 7 thành viên do ông Phạm Văn Đức làm Giám đốc.
Ngay sau khi thành lập HTX, HND xã Đồng Du phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho các thành viên của HTX cùng với các thành viên của câu lạc bộ trồng bưởi thôn Nội 2 và tổ hợp tác trồng cây ăn quả thôn An Bài 2. Cùng với đó, để động viên và khích lệ phát triển mô hình, HND xã đã tham mưu, đề xuất với các cấp, ngành chức năng xem xét, có cơ chế hỗ trợ mô hình. Cụ thể: Năm 2019, mô hình được UBND huyện Bình Lục hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt trị giá 40 triệu đồng; được Đảng ủy, UBND xã Đồng Du hỗ trợ 15 triệu đồng. Năm 2020, mô hình được UBND huyện Bình Lục hỗ trợ kinh phí thành lập HTX 30 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhà màn diện tích 1.000m2, trị giá 30 triệu đồng; được HND các cấp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho 4 sản phẩm: Nho, thanh long ruột đỏ, bưởi đào, bí ngô, trị giá hơn 70 triệu đồng. Năm 2021, được UBND huyện hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà màn và tưới nhỏ giọt diện tích 1.000m2, trị giá 50 triệu đồng. Năm 2022, được hỗ trợ xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu OCOP với ba sản phẩm là nho Hạ Đen, nho mẫu đơn và thanh long ruột đỏ trị giá 90 triệu đồng. Đến nay, 3 sản phẩm trên của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du chia sẻ: Thời gian qua, HTX đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng. Là mô hình mới, nhưng một vài năm tới hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình đã được nhiều khách hàng và người dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan và mua sản phẩm. Ai cũng bất ngờ, thích thú khi được chứng kiến cây nho Hạ Đen, nho mẫu đơn được trồng thành công trên đất đồng chiêm. Để mô hình phát triển bền vững, thời gian tới, HTX mong muốn các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ đối với HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du, như: Hỗ trợ xây dựng kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch; hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi vay sản xuất nông nghiệp...
Ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch HND xã Đồng Du cho biết thêm: Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người dân. Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, trong tương lai, mô hình hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Từ thực tiễn sản xuất, thời gian tới, HTX sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... Thành công bước đầu của mô hình là động lực thúc đẩy, khích lệ nông dân trong xã nghiên cứu, học hỏi, thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao thu nhập, giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác.