Sản xuất phân bón bằng công nghệ hiện đại
Từ chỗ phụ thuộc nguồn cung phân bón của nước ngoài, đến nay, Việt Nam đã tự chủ phần lớn nhu cầu sử dụng phân bón trong nước, thậm chí còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Trong bối cảnh cung đủ cầu, tốc độ tăng trưởng chững lại, ngành phân bón cần tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực.
Tính đến hết tháng 6, cả nước có gần 800 với tổng công suất hơn 20 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón hữu cơ đạt khoảng 4,7 triệu tấn.
Xu thế tất yếu
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện nay, các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng; các nhà máy sản xuất DAP cũng đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Chỉ có phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn nguồn nhập khẩu. Đối với , các cơ sở sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, không bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ các nước khác.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, chất lượng và chủng loại phân bón ở nước ta thời gian qua không ngừng được nâng cao, mở rộng; nhiều doanh nghiệp đã tích cực nghiên cứu và ứng dụng thành công khoa học-công nghệ, phát triển các loại phân bón chịu điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, phân bón hữu cơ, sinh học,... vào sản xuất. Trong đó, nhiều sản phẩm có khả năng giảm lượng khí thải nhà kính từ 10 đến 20%, thậm chí cao hơn. Trên thị trường có nhiều dòng sản phẩm thế hệ mới mang lại hiệu quả cao đối với cây trồng như phân bón giải phóng có kiểm soát, giải phóng chậm.
Một số công ty đã triển khai áp dụng được các dòng sản phẩm hòa tan hoàn toàn trong nước, có thể cung cấp ngay lập tức các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển nhanh chóng, nâng cao hiệu quả sử dụng. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) mới đây đã thông qua bộ giải pháp dinh dưỡng tổng hợp với các công nghệ Bio-coating, phức hợp Humate, phân bón nhả chậm (CRF và SRF); phát triển các dòng sản phẩm mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây trồng, đồng thời giúp giảm ô nhiễm môi trường…
Nhu cầu sử dụng phân bón vô cơ trong nước và thế giới đang chững lại, các sản phẩm phân bón trong nước hiện đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu.
Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất
Bên cạnh một số nhà máy có công nghệ sản xuất tiên tiến, nhìn chung công nghệ sản xuất phân bón ở nước ta hiện nay còn tồn tại một số hạn chế; ba loại phân bón chủ lực là phân lân, urê và phân bón hỗn hợp NPK đều có nhiều vấn đề cần giải quyết. Các phân urê đa số được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, đến nay công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng và nguyên liệu cho nên sức cạnh tranh của sản phẩm kém.
Với phân NPK, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện sử dụng phương pháp phối trộn cơ học và vê viên tạo hạt với quy trình đơn giản, công nghệ thấp, vì vậy chất lượng sản phẩm chưa cao và không đồng đều, dễ bị làm giả, làm nhái.
Để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách để tạo môi trường công bằng cho ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển, chủ động nguồn cung, mang lại lợi ích cho người nông dân. Các doanh nghiệp cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/san-xuat-phan-bon-bang-cong-nghe-hien-dai-post894724.html