Sản xuất pin xe điện tại Việt Nam và chiến lược 'đứng trên vai người khổng lồ'

Doanh nghiệp Việt sản xuất pin xe điện tự tin cạnh tranh với pin Trung Quốc với chiến lược 'đứng trên vai người khổng lồ'.

Sự thống trị của ngành sản xuất pin xe điện Trung Quốc

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên xe điện, chính vì thế, vấn đề sản xuất pin trở thành một ưu tiên đối với nhiều quốc gia. Nhờ lợi thế gia nhập cuộc đua sản xuất pin từ sớm, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu và bỏ xa các quốc gia còn lại…

CATL một trong 6 nhà sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc

CATL một trong 6 nhà sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc

Hiện nay, trong số 10 nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới thì có đến 6 đại diện đến từ Trung Quốc gồm CATL, BYD, CALB, Gotion High Tech, Sunwoda và Farasis Energy. Theo một báo cáo mới nhất về pin xe điện, chỉ tính riêng năm 2022, công suất sản xuất pin của Trung Quốc đã nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.

Một trong những lợi thế quan trọng đưa Trung Quốc dẫn đầu trong công cuộc sản xuất pin là việc nước này kiểm soát rất nhiều nguyên liệu cần thiết để tạo ra vật liệu pin như coban, niken sunfat, lithium hydroxit và than chì.

Tận dụng lợi thế được Chính phủ hỗ trợ, các công ty Trung Quốc đã thâu tóm cổ phần các công ty khai thác khoáng sản trên các châu lục. Theo thống kê, quốc gia tỷ dân này đang nắm giữ 41% hoạt động khai thác coban trên toàn thế giới.

Trung Quốc đang "thống trị" ngành pin xe điện thế giới

Trung Quốc đang "thống trị" ngành pin xe điện thế giới

Ngoài ra, các khoáng sản khác như niken, mangan và than chì… dù đóng vai trò nhỏ trong quá trình sản xuất pin xe điện cũng đều được các công ty Trung Quốc quan tâm và tận dụng triệt để. Việc Trung Quốc đầu tư vào các mỏ khoáng sản tại Indonesia đã giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành quốc gia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới vào năm 2027.

Trong khi Trung Quốc mạnh tay đầu tư để phát triển thì các quốc gia phương tây lại tỏ ra khá dè dặt. Họ không dám mạo hiểm đầu tư vào các quốc gia có nền chính trị không ổn định, đất nước kém phát triển, trình độ lao động thấp.

Theo The New York Times, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới một phần nhờ tìm ra cách sản xuất các bộ phận pin hiệu quả chi phí thấp. Thành phần quan trọng nhất là cực âm, cực dương của pin, trong đó, cực âm là vật liệu khó chế tạo và tốn nhiều năng lượng nhất.

Pin LFP

Pin LFP

Trung Quốc đã đi đầu trong việc đầu tư vào một giải pháp thay thế rẻ hơn và hiện đã chiếm một nửa thị trường cực âm. Đó chính là LFP, một loại pin lithium-ion sử dụng lithium iron phosphate làm vật liệu cực âm. Đối với các nước phương Tây, LFP là cơ hội để vượt qua các nút thắt cổ chai khoáng sản và nguyên liệu này được Trung Quốc sản xuất gần như toàn bộ.

Các công ty Mỹ quan tâm đến LFP đều phải hợp tác với các công ty Trung Quốc có kinh nghiệm để sản xuất.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng sản xuất hầu như tất cả các thành phần của pin. Đất nước tỷ dân này là một trong bốn nhà sản xuất chất điện phân lớn nhất trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt cạnh tranh bằng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”

Tại Việt Nam, với mục tiêu nhanh chóng nắm quyền chủ động về pin xe điện, đồng thời tránh sự lệ thuộc vào nguồn cung pin xe điện từ Trung Quốc, VinFast đã mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới. Đây là chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” từ hãng xe Việt.

Tháng 8/2021, trước thời điểm chuyển đổi sang xe điện, nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Gotion High-Tech. Trọng tâm của thỏa thuận này là dự án cung ứng pin LFP và nghiên cứu kế hoạch xây dựng Nhà máy Giga sản xuất cell pin LFP đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, VinES, một công ty con trực thuộc Vingroup chuyên nghiên cứu, sản xuất pin xe điện và các giải pháp năng lượng toàn diện được thành lập với vốn pháp định 6.500 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất pin VinES

Nhà máy sản xuất pin VinES

Nhà máy sản xuất pin VinES có quy mô giai đoạn 1 là 8ha và tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Nhà máy sẽ cung cấp pin lithium-ion cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast. Toàn bộ cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều phân xưởng chuyên về đúc linh kiện và hàn tổ sẽ được tiến hành xây dựng bước đầu để đáp ứng công suất sản xuất 100.000 pack pin/năm.

Ngày 30/10/2022, VinFast và CATL ký kết Hợp tác chiến lược Toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis). Cuối năm 2022, dự án nhà máy liên doanh sản xuất cell pin LFP do VinES và Gotion hợp tác đầu tư được khởi công tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng (275 triệu USD), quy mô 14ha với công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm.

VinFast và CATL ký kết Hợp tác chiến lược Toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện

VinFast và CATL ký kết Hợp tác chiến lược Toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện

Trong năm 2023, những bước đi của VinES ngày càng rõ ràng và vững chắc hơn bằng hàng loạt chương trình hợp tác với các tập đoàn lớn ngành pin bao gồm: hợp tác với Li-Cycle về tái chế pin lithium, hợp tác với StoreDot về phát triển pin sạc siêu nhanh (XFC), hợp tác với Marubeni đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng.

Bà Phạm Thùy Linh, Tổng giám đốc VinES từng chia sẻ, nhu cầu thị trường với pin là cực lớn, nó có thể gấp 6 lần hiện tại vào năm 2030.

“Một mình Trung Quốc không thể ôm trọn bầu trời trong khi rất nhiều quốc gia đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu đang có động thái hạn chế pin từ Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa nguồn cung. Chính vì vậy, cơ hội đến với nhiều người trong đó có VinES. Đây cũng là lý do tại sao VinES dù là công ty mới có nhiều khó khăn, thử thách như khởi đầu khi ra ngoài trao đổi với đối tác nước ngoài vẫn có cơ hội chào sản phẩm, dịch vụ của mình”, bà Linh nói. Trên thực tế, chỉ sau 2 năm, VinES đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Đông Nam Á làm chủ được công nghệ về cell pin.

Không chỉ riêng VinES, Hóa Chất Đức Giang cũng có mục tiêu làm pin lithium từ quý 2/2023. Nếu thành công, đây sẽ là pin lithium đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.

Ông Đào Hữu Huyền – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) cho biết, sẽ thực hiện tham vọng đẩy doanh thu Ắc quy Tia Sáng lên 1.000 tỷ đồng, với chiến lược tận dụng nền tảng của Ắc quy Tia Sáng để sản xuất pin lithium - một yếu tố rất quan trọng cho dòng xe điện hiện nay.

Chủ tịch DGC nhận định, Việt Nam không có lithium nên đang phải nhập lithium từ Trung Quốc và các nước khác. Công ty đã “nuôi quân” 200 người tại mảng này và sẽ bắt tay làm từ quý 2/2023.

Hóa Chất Đức Giang có mục tiêu làm pin lithium từ quý 2/2023

Hóa Chất Đức Giang có mục tiêu làm pin lithium từ quý 2/2023

DGC được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).

Thực tế, DGC đã phát triển một số hóa chất phốt pho mới phục vụ cho ngành công nghiệp pin lithium bùng nổ trên thế giới trong 2 năm trở lại đây. Lãnh đạo DGC cho biết thêm, công ty hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, hiện Mỹ đã áp thuế lên axit photphoric của Trung Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác để tận dụng lợi thế này.

Thế Đạt

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/bai-viet/san-xuat-pin-xe-dien-tai-viet-nam-va-chien-luoc-dung-tren-vai-nguoi-khong-lo-15420.htm