Sản xuất sạch hơn phải được xem là chiến lược liên tục tại mỗi doanh nghiệp
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết, sản xuất sạch hơn phải được xem là chiến lược mang tính liên tục trong mỗi doanh nghiệp để mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm ở mức cao nhất.
Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất bền vững” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp vớiHanns Seidel Foundation vừa tổ chức đưa thông điệp "Hãy tiếp cận sản xuất sạch hơn một cách chủ động" tới các doanh nghiệp, với đích đến là giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường và tăng cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, áp dụng sản xuất sạch hơn trong bất kỳ ngành nào đều giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất.
“Việt Nam là quốc gia tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu lớn, đảm bảo để nền kinh tế có tăng trưởng. Tiêu thụ năng lượng tăng trưởng hàng năm ở mức 8-10%, nhưng phát thải CO2 cũng rất khủng khiếp, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay. Cường độ tiêu thụ về nguyên vật liệu của Việt Nam gấp 1,5 đến 2 lần so với các nước như Thái Lan, Singapore…”, ông Thịnh khuyến cáo.
Đơn cử, Việt Nam được biết tới là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo lớn, nhưng để sản xuất ra 1 kg gạo là tiêu tốn một lượng nước không nhỏ. Với ngành sản xuất, chăn nuôi thịt cũng như vậy.
Tính bình quân trên toàn cầu, để có 1 kg lúa tốn khoảng 3.500 lít nước, 1 kg lúa mì tốn 1.400 lít nước, 1 kg bắp tốn khoảng 900 lít nước, mỗi kg cà phê sản xuất ra tốn đến hơn 20.000 lít nước. Trong chăn nuôi, lượng nước tiêu tốn còn khủng khiếp hơn. Để có 1 kg thịt heo thì cần 4.800 lít nước, 1 kg thịt gà: 3.900 lít nước và để có 1 kg thịt bò phải cần đến 15.500 lít nước.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận phương pháp sản xuất sạch hơn một cách chủ động. Việc tiếp cận sản xuất sạch hơn đơn giản từ việc thiết kế nhà máy, dây chuyền để giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng cho 1 đơn vị sản phẩm, từ điện, nước, hóa chất, nguyên phụ liệu, cho tới việc loại bỏ tối đa các vật liệu độc hại… Đối với sản phẩm, sản xuất sạch hơn giúp giảm được ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến loại bỏ.
Nhưng, theo quan điểm của ông Thịnh, sản xuất sạch hơn cần phải được xem là chiến lược mang tính liên tục trong mỗi doanh nghiệp. Với bất kỳ quy mô sản xuất nào cũng áp dụng được giải pháp sản xuất sạch hơn.
Sản xuất sạch hơn có thể áp dụng ở bất cứ mô hình doanh nghiệp nào mà không nhất thiết phải đầu tư quá lớn. Khi nhà sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường mới cho sản phẩm, tăng chất lượng và cơ hội bán với giá tốt hơn.
Ông Đặng Hải Dũng, Chánh văn phòng Văn phòng Sản xuất sạch hơn và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm trong những năm gần đây, nhưng tác động của hoạt động kinh tế đến môi trường cũng không ít hệ lụy. Tiêu hao năng lượng, nguyên liệu trên đơn vị sản phẩm còn cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là với hàng hóa xuất khẩu phải cạnh tranh toàn cầu
Nền kinh tế Việt Nam, với đặc thù có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng doanh nghiệp sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái còn rất cao. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp này chính là vấn đề vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào… Đây là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi hướng tới sản xuất sạch hơn để có tăng trưởng bền vững.