Sản xuất sạch hơn - Thay đổi nhỏ, tiết kiệm lớn

Những năm gần đây, nhờ chương trình hỗ trợ máy móc, công nghệ từ nguồn vốn khuyến công mà các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh có điều kiện hiện đại hóa sản xuất. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD).

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có điều kiện hiện đại hóa trang thiết bị, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời tiết kiệm năng lượng.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có điều kiện hiện đại hóa trang thiết bị, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời tiết kiệm năng lượng.

Trong năm 2021, Trung tâm Phát triển Công thương (Sở Công thương) đã hỗ trợ xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) hơn 5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 32 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 4,9 tỷ đồng, thu hút trên 13 tỷ đồng đầu tư từ các doanh nghiệp (DN).

Đối với kinh phí khuyến công Quốc gia, trung tâm đã tổ chức triển khai 1 đề án với kinh phí 300 triệu đồng, thu hút 1,1 tỷ đồng đầu tư từ DN. Việc hỗ trợ trực tiếp vào đầu tư đổi mới máy móc thiết bị đã tạo động lực cho các cơ sở CNNT hiện đại hóa sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giúp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất.

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, trung tâm đã tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở CNNT đầu tư mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả SXKD.

Khảo sát, hướng dẫn DN thuộc lĩnh vực ngành bắt buộc thực hiện báo cáo định mức tiêu hao năng lượng theo quy định tại các Thông tư của Bộ Công Thương.

Rà soát, tổng hợp danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, khuyến khích, vận động và hỗ trợ các DN sản xuất CNNT có mức tiêu thụ năng lượng hằng năm thấp hơn 1000 TOE áp dụng mô hình quản lý năng lượng.

Hằng năm, kiểm tra việc thực hiện các quy định về Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013, xưởng gia công quần áo sơ mi xuất khẩu sang các nước ở khu vực Đông Nam Á của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) đang tạo việc làm cho hơn 50 lao động với mức thu nhập từ 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở may mặc của gia đình anh đã được hỗ trợ máy móc nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm như: Máy may điện cao tốc, máy vắt sổ tốc độ cao… hoạt động sản xuất vì thế ngày càng ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD.

Nói về hiệu quả SXKD sau khi được hỗ trợ máy móc công nghệ từ nguồn vốn khuyến công, anh Tuấn cho biết: “Từ khi được hỗ trợ máy móc cho hoạt động gia công hàng may mặc, chất lượng đầu ra của sản phẩm ổn định hơn, phế liệu trong quá trình sản xuất giảm, tiếng ồn giảm, giúp cơ sở của gia đình tạo được uy tín hơn với khách hàng. Cũng từ đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm chi phí điện năng tiêu hao hàng tháng”.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của khuyến công, anh Nguyễn Văn Hân ở thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đã mua được 2 giàn máy, trong đó có 1 máy cắt kính và 1 máy cắt nhôm, phục vụ hoạt động SXKD cửa nhôm, kính, thủy lực. Sau khi được đầu tư máy móc, sản phẩm do xưởng tạo ra đồng đều, đa dạng về mẫu mã với giá thành cạnh tranh.

“Nhờ đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất hiện đại, sản phẩm cửa nhôm kính, thủy lực do gia đình tôi sản xuất ra không chỉ bền, đẹp mà còn tiêu tốn ít điện năng và giảm chi phí tiền điện sản xuất giảm đáng kể mỗi tháng”- Anh Hân chia sẻ.

Thời gian tới, Trung tâm Phát triển Công thương tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mới phát triển CNNT. Tăng cường hỗ trợ các cơ sở phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định của pháp luật có liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm giá thành sản phẩm, chi phí đầu tư cho DN, cơ sở CNNT.

Tư vấn, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật trong việc thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại các DN. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ kinh phí khuyến công, đến các đơn vị thụ hưởng, kịp thời hỗ trợ thiết bị máy móc đến các cơ sở sản xuất, ổn định và phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82684/san-xuat-sach-hon---thay-doi-nho-tiet-kiem-lon.html