Sản xuất thành công lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên
Lô vắc-xin Sputnik V đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM chiều 24-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết số ca tử vong do Covid-19 đang giảm, nếu ngày 22-8 có 340 ca tử vong thì ngày 23-9 còn 140 ca.
TP HCM còn hơn 1 triệu liều vắc-xin các loại
Theo ông Phạm Đức Hải, TP đang điều trị 40.504 bệnh nhân (BN), trong đó có 3.799 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.037 BN nặng đang thở máy và 23 BN can thiệp ECMO. Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 23-9 là 9.068.788, trong đó tổng số mũi 1 là 6.790.745, mũi 2 là 2.278.043, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.062.379.
Về xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 22-9 đến 18 giờ ngày 23-9, TP đã lấy 1.108.297 mẫu, trong đó có 5.161 mẫu đơn và 2.104 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.099.916 mẫu.
Thông tin về tình hình tiêm chủng trên địa bàn TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết ngày 23-9, HCDC đã nhận hơn 600.000 liều vắc-xin Pfizer và AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ. Tính đến nay, tại kho của HCDC còn hơn 1 triệu liều vắc-xin các loại, TP vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân trong thời gian tới.
Cũng tại cuộc họp báo, thông tin về việc xét nghiệm cho shipper, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết: "Định hướng sắp tới là giúp doanh nghiệp (DN) chủ động tự xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm và người lao động phải nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, phòng chống dịch".
Về việc có ý kiến cho rằng có tình trạng thu phí kit test với mức 75.000 đồng/bộ xét nghiệm nhanh (kit test), qua kiểm tra, ông Phương cho biết có 2 đơn vị thu phí xét nghiệm của shipper. Tuy nhiên, ông Phương cho biết do DN nhận kit test trễ nên DN có hợp đồng với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và yêu cầu shipper tới xét nghiệm có trả phí. Đơn vị thứ 2 cũng thu phí của shipper với mức giá tương tự, xét nghiệm tại Bệnh viện Tâm Anh. Theo ông Phương, sở đã làm việc và đề nghị các đơn vị không được thu phí và yêu cầu chấm dứt việc thu tiền xét nghiệm. DN hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp 3, sau khi xét nghiệm xong có thể gửi hình ảnh về cho công ty để tải lên hệ thống kho dữ liệu của TP nhằm kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan chức năng kiểm tra nếu phát hiện vi phạm thì sẽ có chế tài. Về việc tiêm vắc-xin cho shipper, theo ông Phương, qua số liệu cập nhật, TP có 160.000 shipper, trong đó có gần 2.000 người chưa tiêm và hơn 33.000 người đã tiêm 2 mũi.
Thông tin về gói thuốc A-B-C, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết TP có chương trình quản lý, điều trị F0 tại nhà để họ không thấy đơn độc. Do đó, TP đã chi ngân sách để thực hiện 300.000 túi thuốc F0 gồm gói thuốc A và B cho F0 điều trị tại nhà và cả bệnh viện.
Sớm chủ động về nguồn vắc-xin
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), vừa cho biết công ty đã sản xuất thành công lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam. Lô vắc-xin này đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn.
Theo ông Đạt, VABIOTECH đóng ống 30.000 liều Sputnik V từ nguyên liệu bán thành phẩm, trong đó 10.000 mẫu được gửi sang Nga để kiểm định chất lượng. Trong tháng 9 này, công ty sẽ làm thủ tục nhập bán thành phẩm vắc-xin Sputnik V về Việt Nam để đóng ống, đóng gói vắc-xin này nhằm chủ động nguồn cung vắc-xin. VABIOTECH đã đóng ống vắc-xin Sputnik V từ bán thành phẩm vào tháng 7 vừa qua. Quy mô gia công, đóng ống vắc-xin Sputnik V từ bán thành phẩm là 5 triệu liều/tháng, dự kiến nâng lên 100 triệu liều/năm. Công ty xây dựng nhà máy tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V. Ông Đạt cho biết VABIOTECH cũng thúc đẩy đơn vị nộp hồ sơ vắc-xin Sputnik V để nhanh chóng đăng ký sớm cho vắc-xin này, sau đó sẽ trao đổi với nhà cung cấp ở Nga để đóng gói, đóng ống vắc-xin này tại Việt Nam.
Vắc-xin Sputnik V được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 vào hồi tháng 3-2021. Vắc-xin này do JSC Generium - Liên bang Nga sản xuất. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đây là loại vắc-xin không dùng để tiêm cho phụ nữ có thai và cho con bú. Dữ liệu về tỉ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở những người được tiêm chủng vắc-xin Sputnik V từ ngày 5-12-2020 đến 31-3-2021 tại Nga cho thấy hiệu quả bảo vệ là 97,6%.
Bộ Y tế cho biết ngày 24-9, cả nước ghi nhận 8.537 ca mắc mới tại 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.068 ca ngoài cộng đồng. Số ca mắc mới giảm 935 ca so với ngày trước đó. Trong ngày, có thêm 12.371 BN được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 505.859. Đến nay, nước ta đã tiêm chủng được gần 36,8 triệu liều vắc-xin, trong đó, hơn 7,2 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
Đà Nẵng dự kiến nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10
Ngày 24-9, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP dự kiến áp dụng biện pháp phòng chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấp độ 2, tức theo Chỉ thị 19 từ ngày 1 đến 15-10. Sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.
Ở cấp độ 2, TP Đà Nẵng cho phép tổ chức hội họp, sự kiện trong nhà và ngoài trời dưới 30 người, dưới 100 người ở trong nhà và dưới 200 người ở ngoài trời đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ được hoạt động nhưng phải đáp ứng các quy định phòng chống dịch, trừ các dịch vụ spa, massage, vũ trường, karaoke, quán bar. Tổ chức đám cưới, đám tang không quá 100 người hoặc 200 người đã tiêm 2 liều vắc-xin hay đã khỏi bệnh. Các sự kiện tôn giáo văn hóa, tín ngưỡng tổ chức không quá 50 người hoặc không quá 200 người đã tiêm vắc-xin. Mở cửa các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm tham quan du lịch, không tập trung quá 30 người. Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng hoạt động bình thường. Nhà hàng, quán ăn được hoạt động khi bảo đảm mật độ khách và nhân viên giữ khoảng cách 2 m, chỉ mở 50% thời gian.
TP Cần Thơ thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg từ 0 giờ ngày 24-9 cho đến khi có thông báo mới. Riêng 9 phường gồm: An Hòa, An Khánh, Cái Khế, Hưng Lợi, Tân An, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều) và Hưng Phú, Phú Thứ, Tân Phú (quận Cái Răng) tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 24-9 đến 1-10.
Yêu cầu quy định rõ người có app xanh được di chuyển
Ngày 24-9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thống nhất dùng chung một ứng dụng (app) phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cần quy định rõ: "Người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".
Trước đó, tại Thông báo số 242/TB-VPCP, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch.
M.Chiến
Rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vắc-xin AstraZeneca
Văn phòng UBND TP HCM ngày 24-9 đã có thông báo khẩn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vắc-xin AstraZeneca. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM thống nhất với đề xuất của Sở Y tế tại Công văn 6791 về việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần. Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị khi tiêm mũi 2 bằng vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca phải thông tin, giải thích rõ ràng hiệu lực bảo vệ theo các thời điểm tiêm mũi 2, tính an toàn về khoảng cách tiêm mũi 2 để người dân biết và đồng thuận tham gia.