Sản xuất thành công trà hòa tan giảo cổ lam
Huyện đảo Cồn Cỏ là nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng và nhiều tiềm năng. Đặc biệt, rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm được giữ gìn và bảo vệ tốt. Trong điều kiện tự nhiên lý tưởng, đảo Cồn Cỏ đang sở hữu cây thuốc quý giảo cổ lam hiện phát triển mạnh mẽ. Người dân ở đây đang khai thác giảo cổ lam phơi khô sắc uống. Phương pháp này làm giảm giá trị sản phẩm và hiệu quả sử dụng của loại thảo dược quý này. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, giá trị kinh tế của giảo cổ lam, thúc đẩy khuyến khích người dân bảo tồn và nhân rộng diện tích bằng cách khai thác đúng, trồng loại cây này, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã xây dựng đề tài KH&CN cấp tỉnh 'Nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm trà thảo dược hòa tan giảo cổ lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ'. Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh chủ trì thực hiện đến nay đã đạt kết quả tốt.
Giảo cổ lam là cây thảo dược có nhiều công dụng như giảm béo, hạ mỡ máu, bảo vệ gan bằng cách tăng cường thải độc và tái tạo tế bào gan, hạ và ổn định huyết áp, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu và giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, giảm đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng bệnh tiểu đường, tạo giấc ngủ tốt, giúp ăn ngon, nhuận trường, làm giảm căng thẳng mệt mỏi, tăng khả năng làm việc… Theo phân tích và giám định tại Viện Dược liệu, Bộ Y tế, cây giảo cổ làm tại đảo Cồn Cỏ được đánh giá rất cao có chứa hoạt chất sapomin là một hoạt chất quý có trong nhân sâm.
Những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại thực phẩm chức năng hòa tan giúp nâng cao chất lượng và giá trị của các loại thảo dược như: Chè vằng hòa tan Tralavang, cà gai leo - linh chi hòa tan Cagali, nấm linh chi hòa tan Đất Lửa…Từ kết quả đó, đề tài này tập trung nghiên cứu quy trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm trà thảo dược hòa tan giảo cổ lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ. Đề tài nhằm mục tiêu là đánh giá được tiềm năng và khả năng phát triển nguyên liệu giảo cổ lam trên đảo Cồn Cỏ; định lượng được thành phần thảo dược có trong giảo cổ lam ở đảo để tiến hành so sánh chất lượng dược liệu với nguồn nguyên liệu giảo cổ lam ở các vùng khác trong cả nước. Nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ chiết xuất, nghiền sấy trộn sản phẩm hòa tan giảo cổ lam đạt các chỉ tiêu chất lượng như mùi vị, màu sắc, độ ẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trung tâm đã phối hợp với UBND huyện đảo Cồn Cỏ triển khai các nhiệm vụ như: Tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật thu hái, bảo tồn, sơ chế nguồn dược liệu giảo cổ lam cho người dân đang khai thác tại huyện đảo. 20 hộ dân đang sinh sống ở huyện đảo Cồn Cỏ đã được trang bị những kiến thức cơ bản về đặc điểm thực vật học, điều kiện sinh trưởng, phát triển, công dụng của cây dược liệu này, phương pháp thu hái, cách sơ chế giảo cổ lam từ khâu cắt, phơi, bảo quản đảm bảo chất lượng, không khai thác tràn lan, không nhổ cả gốc trong thu hái nhằm tạo chu kỳ để cây phát triển trở lại.
Sau 18 tháng thực hiện, đến nay đề tài đã hoàn thành với sản phẩm là 3.000 hộp trà giảo cổ lam; hoàn thiện quy trình thu hái và sơ chế dược liệu giảo cổ lam trong điều kiện tự nhiên; xây dựng được quy trình chiết xuất và cô đặc chân không; quy trình sấy sản phẩm cao khô; quy trình nghiền và phối trộn sản phẩm hòa tan; các kết quả phân tích chất lượng; thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm. Các kết quả phân tích hàm lượng hoạt chất sapomin có trong sản phẩm và kết quả phân tích chất lượng của sản phẩm trà hòa tan giảo cổ lam Cồn Cỏ đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được 4 quy trình hoàn thiện từ khâu sơ chế dược liệu đầu vào cho tới khâu sản xuất hoàn thiện sản phẩm cuối cùng để đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay, sản phẩm trà giảo cổ lam đã cung cấp cho huyện đảo Cồn Cỏ nhằm thương mại hóa giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện đảo đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Sự thành công của đề tài đã được khẳng định bằng sản phẩm trà hòa tan giảo cổ lam đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để đề tài này được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, cần có những giải pháp đưa sản phẩm tham gia thị trường và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh, chủ trì thực hiện đề tài Đào Ngọc Hoàng cho biết: Đây là một đề tài thiết thực, có tính ứng dụng cao, vì thế cần tiếp tục hỗ trợ quảng bá sản phẩm trong các chương trình hội nghị, hội chợ trên khắp cả nước, kết nối hỗ trợ sản phẩm cho huyện đảo Cồn Cỏ để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch tại đảo. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đang được khai thác hoàn toàn tự nhiên nên dần cạn kiệt. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ người dân mở rộng vùng nguyên liệu hiện có để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất sau khi đề tài được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153579