Sản xuất thực phẩm cung ứng dồi dào, cần nhất bảo đảm lưu thông
Theo Bộ NN&PTNT, việc sản xuất lương thực, thực phẩm của các tỉnh phía nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Chiều nay (19/7), Bộ NN&PTNT sẽ họp trực tuyến với các tỉnh phía nam để thúc đẩy sản xuất và cung ứng nông sản trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.
Cung cấp hơn 400.000 tấn rau, 170.000 tấn quả mỗi tháng
Theo Bộ NN&PTNT, ở các tỉnh phía nam, diện tích rau khoảng 537.000 ha, năng suất 199,7 tạ/ha, sản lượng 10,7 triệu tấn (vùng ĐBSCL đạt 290.000 ha, năng suất 190,0 tạ/ha, sản lượng 5,5 triệu tấn).
Bình quân mỗi tháng vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường 433.000 tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và 10 triệu người TPHCM.
Bộ NN&PTNT tính toán nhu cầu rau cho 28 triệu người trong 6 tháng ước khoảng 12 kg/tháng x 6 tháng x 28 triệu người = 2 triệu tấn rau, bình quân nhu cầu mỗi tháng khoảng 333.000 tấn.
Nhìn chung, kế hoạch sản xuất rau năm 2021 với sản lượng cung 10,7 triệu tấn của các tỉnh phía nam (trong đó 5,5 triệu tấn sản lượng cung vùng ĐBSCL) đảm bảo cân bằng cung cầu cho thị trường và lợi nhuận cho chuỗi tham gia vào quá trình sản xuất rau.
Diện tích cây ăn quả phía nam năm 2020 ước đạt 693.000 ha, bằng 61% so với cả nước. Trong đó: ĐBSCL là vùng cây ăn quả chủ lực (chiếm hơn 33%), Đông Nam Bộ (11,2%), Tây Nguyên (8,3%), Duyên hải Nam Trung Bộ (8,2%).
Một số loại hoa quả chính được ngành nông nghiệp thống kê sản lượng 6 tháng cuối năm như sau:
Cây xoài: 190.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng khoảng 32.000 tấn; Cây chuối: 245.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng khoảng 41.000 tấn; Cây thanh long: 290.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng khoảng 48.000 tấn; Cây sầu riêng: 150.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng 25.000 tấn; Cây chôm chôm: 60.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng 10.000 tấn; Cây nhãn: 120.000 tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng 20.000 tấn.
Chăn nuôi tăng sản lượng hơn 6%
Sản phẩm chăn nuôi về cơ bản không phụ thuộc vào mùa vụ nên hiện nay sản lượng các sản phẩm này ở các tỉnh phía nam đạt khá cao.
Tổng sản lượng thịt lợn 19 tỉnh phía nam năm 2020 đạt 1.060.338 tấn (kế hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2021 tăng 6,2% so với năm trước). Sản lượng bình quân mỗi tháng thịt lợn của các tỉnh này năm 2021 là 93.840 tấn/tháng (sản phẩm chăn nuôi không phụ thuộc mùa vụ).
Tổng sản lượng thịt bò 19 tỉnh phía nam năm 2020 đạt 91.856 tấn (kế hoạch sản xuất năm 2021 tăng 7,3% so với năm trước). Sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 8.213 tấn/tháng
Tổng sản lượng thịt gà 19 tỉnh phía nam năm 2020 đạt 341.014 tấn (kế hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2021 tăng 7,3% so với năm trước). Sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 30.492 tấn/tháng.
Tổng sản lượng thịt vịt 19 tỉnh phía nam năm 2020 đạt 121.455 tấn (kế hoạch sản xuất năm 2021 tăng 7,3% so với năm trước). Sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 10.860 tấn/tháng.
Tổng sản lượng trứng các loại của 19 tỉnh phía nam năm 2020 đạt 5,18 tỷ quả (kế hoạch sản xuất năm 2021 tăng 5,5% so với năm trước). Sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 455 triệu quả/tháng.
Vận chuyển khó khăn làm giảm giá thu mua thủy sản
Theo thống kê, sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020 (331.000 tấn), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258.000 tấn.
Nhìn chung, tình hình sản xuất tôm vẫn diễn ra tương đối ổn định, việc vận chuyển tiêu thụ gặp khó khăn nên giá tôm đang có chiều hướng giảm nhẹ từ 10.000-20.000 đồng/kg so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh phía nam.
Diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.750 ha, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 704.100 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020 (698.000 tấn).
Về sản lượng thủy sản khai thác của một số tỉnh phía nam: Bạc Liêu đạt 60.516 tấn trong 6 tháng đầu năm; Bến Tre: Từ nay đến cuối năm ước sản lượng thủy sản khai thác sẽ đạt 105.000 tấn; Bà Rịa – Vũng Tàu: Tổng sản lượng khai thác 6 tháng cuối năm ước đạt trên 100.400 tấn, ngoài ra còn có một số lượng lớn nguyên liệu khai thác từ tàu cá các tỉnh khác cập cảng của tỉnh, cung ứng nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến thủy sản của tỉnh vào khoảng 260.000 tấn/năm (chiếm khoảng 40%). Nguồn nguyên liệu các nhà máy nhập từ nước ngoài về (dưới dạng bán thành phẩm) để chế biến các mặt hàng ăn liền, cao cấp vào khoảng trên dưới 90.000 tấn/năm (chiếm khoảng 14%). Thị trường tiêu thụ: 55% tại TPHCM; các tỉnh Miền Tây 25 %; các tỉnh Miền Trung 20 %....
Nhìn chung, tình hình sản xuất thủy sản vẫn diễn ra tương đối ổn định và có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 dẫn đến vận chuyển tiêu thụ khó khăn nên giá tôm, cá thương phẩm có chiều hướng giảm nhẹ. Các tỉnh vẫn duy trì diện tích, sản lượng nuôi và khai thác thủy sản nên vẫn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chính vì vậy, cần có các biện pháp để hỗ trợ lưu thông, vận chuyển và điều tiết hàng thủy sản đến các điểm tiêu thụ trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Thu mua và phân phối gặp khó khăn
Theo Bộ NN&PTNT, việc phân phối các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các chợ truyền thống, cơ sở giết mổ.
Hoạt động thu mua nông sản của các thương lái hoạt động chậm lại, thậm chí đóng cửa do dịch bệnh. Cụ thể, tại Long An, hơn 50% số kho (khoảng 72 kho) thanh long đóng cửa do lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Xuất khẩu chanh của Long An gặp khó khăn do thương lái thu mua chậm, chi phí vận chuyển tăng cao (tăng 2-3 lần). Gần đây nhất, 2/3 chợ đầu mối nông sản lớn tại TPHCM phải đóng cửa, dừng hoạt động nhằm đảm bảo công tác phòng chống lây lan dịch bệnh (chợ Hóc Môn dừng hoạt động từ ngày 28/6/2021; chợ Bình Điền dừng hoạt động từ ngày 6/7/2021). Việc đóng cửa các chợ đầu mối nông sản lớn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản các địa bàn lân cận.
Giá nhiều nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ (ví dụ khoai lang tím tại Vĩnh Long, xoài tại Khánh Hòa). Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên thương lái Trung Quốc không sang thu mua, mặt khác thời gian này cũng là vụ thu hoạch nông sản cùng loại của Trung Quốc và các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan.
Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái lo ngại. Container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao do nhiều lái xe lo ngại việc phải thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ vùng có dịch trở về.
Chiều nay (19/7), Bộ NN&PTNT sẽ họp trực tuyến với các tỉnh phía nam để thúc đẩy sản xuất và cung ứng nông sản trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.