Sản xuất trái cây an toàn VietGAP

Trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng cao, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh phải tự đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ và liên kết sản xuất. Hiện nay, mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là hướng đi đúng đắn và là mục tiêu phát triển bền vững mà nhiều HTX xã hướng đến. Nắm bắt xu hướng đó, HTX Nông Thành Phát, thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng cũng chuyển đổi để phù hợp nhu cầu thực tế.

Liên kết sản xuất

Với diện tích hơn 2 ha, trước đây anh Trần A Lộc, thành viên HTX Nông Thành Phát trồng tiêu, cà phê. Sau này, nhận thấy giá trị kinh tế của cây sầu riêng nên anh chuyển đổi sang trồng loại cây này. Tham gia HTX, được học tập, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên giúp anh có thêm kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc vườn cây. Đồng thời, anh chuyển đổi sang sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Anh nhận thấy từ khi chuyển sang phương pháp sản xuất sạch, giúp cải tạo đất, cây sinh trưởng tốt, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Anh Lộc cho biết: Lợi ích trong việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP là ứng dụng quy trình sản xuất sạch, sản phẩm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ truy xuất nguồn gốc, an toàn khi cung cấp đến người tiêu dùng.

Sản xuất theo hướng trái cây an toàn VietGAP được Hợp tác xã Nông Thành Phát ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân (Phú Riềng) hướng đến

Sản xuất theo hướng trái cây an toàn VietGAP được Hợp tác xã Nông Thành Phát ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân (Phú Riềng) hướng đến

Còn anh Trần A Lửng, thành viên HTX Nông Thành Phát, với 6 sào bưởi da xanh trồng năm 2017, đến thời điểm này đã bắt đầu cho trái bói. Anh cũng mạnh dạn trồng theo hướng sản xuất trái cây an toàn, loại bỏ phân bón hóa học, thuốc trừ sâu mà sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học trong chăm sóc vườn cây. Đồng thời, anh để cỏ phát triển tự nhiên giúp vườn cây giữ được độ ẩm, vi sinh vật có lợi cho cây, đến thời điểm nhất định anh dùng máy phát cỏ dọn dẹp, vừa làm phân bón lại tạo độ mùn, tơi xốp cho đất. Anh Lửng cho biết: Chi phí sản xuất khi sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ không cao hơn so với sử dụng thuốc hóa học nhưng sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Cây bưởi sinh trưởng tốt, ít nấm bệnh hơn nhưng lợi nhất là bảo vệ được sức khỏe và môi trường.

“Chất lượng chúng tôi, sức khỏe của người tiêu dùng”

Thành viên HTX Nông Thành Phát là những nông dân canh tác lâu năm và có nhu cầu liên kết trong sản xuất để cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác, tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái. Tổng diện tích đất canh tác của HTX 103 ha, trong đó 60 ha trồng các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ sáp, bưởi da xanh... Thu nhập của hội viên thấp nhất từ 150 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, cây sầu riêng có diện tích 30 ha, năng suất trên 10 tấn/ha. Từ 22 thành viên ban đầu, đến nay, HTX phát triển lên 30. Hiện nay, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và đang xúc tiến quy trình truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây ăn trái.

Nhằm sản xuất hiệu quả, HTX đã thành lập đoàn đi tìm hiểu kinh nghiệm trồng cây ăn trái trong và ngoài tỉnh; chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, công ty xuất khẩu nông sản... Cùng với đó, các thành viên tích cực tham gia tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, HTX chú trọng tiêu chuẩn sản xuất sạch, kiểm soát chặt chẽ các khâu chọn giống, làm đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX Nông Thành Phát cho biết: “Trước đây, bà con canh tác manh mún, chưa quy hoạch theo từng vùng; giá tiêu, cao su, cà phê xuống quá thấp nên người dân cùng tập trung trồng cây ăn trái. Khi làm chuyên cây ăn trái mình phải làm ra sản phẩm sạch, chất lượng theo hướng VietGAP phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, HTX đặt ra khẩu hiệu “Chất lượng chúng tôi, sức khỏe của người tiêu dùng”.

Để phát triển lâu dài, HTX tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, phấn đấu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần tích cực vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân, cho biết: Toàn xã có diện tích cây ăn trái hơn 100 ha. Trước đây, hầu hết các hộ làm ăn manh mún, nông dân trồng rất nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, bưởi... Trong đó, sầu riêng chiếm diện tích lớn nhất và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất những năm gần đây. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ thành lập HTX, giúp bà con tập trung sản xuất, hướng đến phát triển bền vững trái cây sạch theo VietGAP. Hiện nay, trên địa bàn xã đã thành lập 3 HTX. Từ khi nông dân liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP thì trình độ sản xuất đã tăng khá cao, có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường.

Vũ Nam

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/san-xuat-trai-cay-an-toan-vietgap-31289