Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Lối đi độc đạo
Chuyển đổi xanh với nòng cốt là sản xuất và tiêu dùng bền vững hiện không còn là xu thế, là hướng đi mà đã trở thành lối đi độc đạo và bắt buộc phải thực hiện.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh 2025 với phiên thảo luận “Công nghệ xanh – Chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng bền vững” diễn ra chiều 2/7 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Quang Vinh (đầu tiên bên trái) khẳng định sản xuất và tiêu dùng bền vững đã trở thành lối đi duy nhất mà các doanh nghiệp phải tuân thủ. Ảnh: Thu Hường
Sự kiện do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công - Bộ Công Thương phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Sản xuất và tiêu dùng xanh: Lối đi độc đạo
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh”, sử dụng nguyên, vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường đang ngày một tăng lên. Tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sản xuất và kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững.
Là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam cho biết: Suốt 30 năm tại Việt Nam, Unilever kiên định phát triển bền vững theo chuẩn ESG. Để ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, công ty đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến cuối năm 2025 và hiện đã trồng gần 700.000 cây trên khắp Việt Nam.
Về hành trình giảm phát thải nhựa, bà Nhi cho biết, Unilever đã liên tục đổi mới thiết kế bao bì để tăng tỷ lệ tái chế, đồng thời thu gom và sử dụng nhựa tái chế làm nguyên liệu.
“Hiện nay, hơn 70% bao bì sản phẩm của Unilever đã có khả năng tái chế, với tỷ lệ nhựa tái chế trong bao bì đạt từ 20% đến 100%. Mỗi năm, công ty thu gom từ 13.000 đến 15.000 tấn rác thải nhựa để đưa trở lại chu trình sản xuất bao bì mới”- bà Nhi nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó tổng Giám đốc Unilever Việt Nam
Tuy nhiên, theo bà Nhi việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhựa tái chế sạch là một thách thức lớn. Hiện nay, ở Việt Nam, mặc dù đã có quy định pháp luật về phân loại rác tại nguồn, nhưng cơ sở hạ tầng, điều kiện triển khai còn chưa đồng bộ, khiến nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đủ sạch, chi phí xử lý cao.
Bên cạnh đó, công nghệ ngành nhựa tái chế cũng còn nhiều hạn chế, số lượng nhà tái chế có thể sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo độ an toàn, màu sắc, mùi tương đương nhựa nguyên sinh còn rất ít. Chính điều này dẫn tới giá thành nhựa tái chế cao hơn khoảng 20% so với nhựa nguyên sinh.
Để giải quyết khó khăn, Unilever đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, đồng thời hợp tác với các đối tác tái chế trong nước như Duy Tân Recycling và Công ty CP Tái chế nhựa Lam Trân nhằm cải thiện đặc tính hóa lý của nhựa, mua lại sản phẩm nhựa tái chế đạt chuẩn, và hỗ trợ công tác thu gom phế liệu.
Tuy vậy, bà Nhi cho rằng, để ngành tái chế phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt thông qua các cơ chế ưu đãi và đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ tham gia phát triển bền vững
Với khoảng 90% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy để các doanh nghiệp này thực hiện ESG, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là thách thức không hề nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết: Trong quá trình triển khai các nội dung liên quan đến ESG, thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn không ít lúng túng, số lượng doanh nghiệp tham gia các giải thưởng ESG do VCCI tổ chức còn rất khiêm tốn, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của VCCI.
Tuy nhiên, bà Hường nhấn mạnh, dù quy mô nhỏ, các doanh nghiệp này vẫn là một thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng và chắc chắn sẽ phải tham gia tiến trình phát triển bền vững.
Trước băn khoăn của bà Hường, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, hiện tại, VCCI đã xây dựng xong bộ chỉ số ESG gồm 87 chỉ tiêu, trong đó khoảng 2/3 số tiêu chí, là yêu cầu tuân thủ pháp luật. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã định hướng phát triển theo hướng bền vững
“Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành đã có thể đủ điều kiện tham gia giải thưởng ESG do VCCI tổ chức”- ông Vinh nhấn mạnh.
Chia sẻ về những kết quả và hướng đi của Bộ Công Thương trong hoạt đông sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Cù Huy Quang, Trưởng phòng Hiệu quả năng lượng và chuyển đổi xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho biết: Với vai trò là cơ quan triển khai Mục tiêu phát triển bền vững số 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã xây dựng được 3 tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhựa tái chế. Dự kiến trong năm 2025, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng thêm 5 tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải và phát triển các nguồn nguyên vật liệu mới cho sản xuất. Các mô hình kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh áp dụng tại các cụm công nghiệp và khu vực có tiềm năng lớn, nhằm tạo bước chuyển cả về nhận thức lẫn thực tiễn sản xuất.

Ông Cù Huy Quang - Trưởng Phòng Hiệu quả năng lượng và chuyển đổi xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công
Trong giai đoạn 2026–2030, Bộ Công Thương đặt trọng tâm triển khai Chương trình thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây sẽ là chương trình quy mô lớn với kỳ vọng tạo ra nhiều sản phẩm xanh mới, củng cố tiêu chí xanh, đồng thời đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực, địa phương có tiềm năng. Mục tiêu hướng tới là giảm thiểu, tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào và nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ Na Uy
Là một trong những quốc gia tiên phong trong triển khai thực hiện sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và cam kết của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt nếu muốn gia tăng năng lực cạnh tranh và thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Đây cũng là kinh nghiệm của Na Uy trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Bà cho biết, từ những năm 1990, Na Uy đã áp dụng mô hình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm điện tử, bao bì và một số sản phẩm khác.
“Chính nhờ các quy định này, các doanh nghiệp buộc phải thiết kế sản phẩm hiệu quả hơn, tiêu tốn ít nguyên liệu và nhiên liệu hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom và tái chế”- bà Hilde Solbakken chia sẻ.
Theo Đại sứ Na Uy việc thực hiện EPR không chỉ giúp nhà sản xuất tối ưu chi phí và giảm thiểu tác động môi trường, mà còn trao quyền cho người tiêu dùng, khuyến khích thói quen tiêu dùng xanh và tạo động lực để người dân tham gia tích cực hơn trong công tác phân loại, tái chế rác thải.
Tại Na Uy, một trong những mô hình thành công nhất là hệ thống thu gom và hoàn trả chai, lọ sau sử dụng. Theo đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm sẽ đặt cọc một khoản tiền và được hoàn trả khi đem vỏ chai, lọ quay lại điểm thu gom. Nhờ cơ chế này, tỷ lệ thu hồi chai lọ đã đạt tới 92,3%.
Theo nghiên cứu khả thi mà Na Uy thực hiện, nếu triển khai hệ thống thu gom trên toàn quốc, Việt Nam có thể giảm được hàng nghìn tấn rác thải ra bãi chôn lấp, đồng thời cắt giảm đáng kể lượng khí CO2 phát thải. Đại sứ khẳng định Na Uy sẵn sàng đồng hành, chia sẻ công nghệ và hỗ trợ chuyên gia để triển khai thành công mô hình này tại Việt Nam.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, bà cho biết Na Uy và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng khi đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản lớn. Na Uy đã ban hành các quy định khuyến khích sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại như sử dụng các lồng nuôi khép kín ngoài khơi, áp dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, ngăn ngừa dịch bệnh và hạn chế tối đa tác động đến hệ sinh thái biển.
Đặc biệt, thay vì phụ thuộc vào kháng sinh, Na Uy đã nghiên cứu và phát triển vắc xin, đưa tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy hải sản giảm xuống gần bằng 0.
Theo bà, phát triển bền vững không thể là một chính sách đơn lẻ. Để đạt được mục tiêu, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ từ các bên liên quan, trong đó vai trò của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng là vô cùng quan trọng.
Theo báo cáo nghiên cứu phạm vi được hoàn thành mới đây của Na Uy, một chương trình DRS được áp dụng toàn quốc có thể giúp chuyển hướng hàng nghìn tấn chất thải khỏi bãi chôn lấp và cắt giảm 265.000 tấn khí thải CO₂ mỗi năm, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm xanh, bao gồm cả khu vực phi chính thức. Các công ty Na Uy sẵn sàng hỗ trợ công nghệ và chuyên môn để Việt Nam hiện thực hóa điều này.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-loi-di-doc-dao-409872.html