Sản xuất xanh: Do chúng ta và cho chúng ta

Bài cuối:
KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN

BPO - Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã từng phát biểu: Các quy định, tiêu chuẩn liên quan yếu tố xanh bao gồm tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội - đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi, Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “yêu cầu xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế.

Đầu tiên là thay đổi tư duy

Thay đổi tư duy là điều mà anh Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc Nông trại Queen Farm ở huyện Bù Đăng nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến chuyện làm nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Anh Tùng cho rằng, có 4 yếu tố quan trọng để tạo ra một mô hình nông nghiệp chuẩn hóa theo thứ tự là: Tư duy - kiến thức - đam mê và nguồn lực. Trong đó, tư duy trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp bền vững đa giá trị, có vai trò cực kỳ quan trọng. Đôi khi có rất nhiều tiền, nhiều tiềm lực về tài chính nhưng ứng dụng tư duy chưa đúng hoặc thiếu kiến thức thì vẫn dẫn đến thất bại.

Theo xu thế hiện nay, việc chuyển đổi sản xuất xanh, kinh tế xanh cần phải lồng ghép vào mô hình hoạt động canh tác, sản xuất, dịch vụ, thương mại của mình, dù có thể mô hình ấy không nhất thiết phải đầu tư lớn, cồng kềnh. Chẳng hạn, mô hình trồng trọt hay chăn nuôi phạm vi nhỏ nhưng đáp ứng các chỉ tiêu phát thải carbon, tự ngăn ngừa và giải quyết việc xả thải liên quan bảo vệ thực vật và chất thải có khí metan ra cộng đồng, thực hiện chính sách zero rác thải hay sử dụng các vật tư thân thiện với môi trường ngay chính trong mô hình nhỏ nhưng mà chuẩn ấy. Tất cả những điều ấy phải xuất phát từ tư duy, và tư duy quyết định tất cả.

Anh NGUYỄN THẾ TÙNG, Giám đốc Nông trại Queen Farm

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững (SDLT) cũng cho rằng, kết quả của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy của cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân. “Nói về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, nhanh hay chậm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Về chủ quan, đầu tiên, quan trọng nhất là tư duy của chủ DN. Quy mô của DN có thể nhỏ hay vừa, nhưng nếu người chủ có tư duy đủ cởi mở, thích ứng với thời cuộc và biết cách tận dụng các nguồn hỗ trợ bên ngoài, có thể kêu gọi hỗ trợ tài chính, kiến thức, nhân sự, công nghệ, hệ sinh thái… thì sẽ không quá khó khăn để thực hiện việc chuyển đổi qua sản xuất xanh hiệu quả” - chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương phân tích.

Không có một công thức khuôn đúc cho tất cả DN, tuy nhiên vẫn có những gợi ý, định hướng dành cho các DN muốn chuyển sang sản xuất xanh hiệu quả và bền vững. Đầu tiên vẫn là tư duy và nhận thức. Nếu chủ DN có tư duy mở, thích ứng kịp với xu thế thì họ sẽ đưa ra những nhận định nhanh và sẵn sàng đầu tư chuyển đổi.

Chuyên gia kinh tế HUỲNH THỊ MỸ NƯƠNG

Kiên trì với lựa chọn

Công ty Thương mại tổng hợp UB, Tiểu Vương quốc Dubai (UAE) là khách hàng mới nhất của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên, huyện Đồng Phú với sản phẩm than hoạt tính, trong năm 2024 này. Việc ký kết hợp tác thành công đã đem đến cho công ty cơ hội mở rộng sản xuất. Ông Taher Altahri, Công ty Thương mại tổng hợp UB cho biết những lý do Công ty UB lựa chọn than hoạt tính của Cao Nguyên: “Thứ nhất, than hoạt tính, than gáo dừa là những sản phẩm an toàn. Thứ hai, loại than này có hàm lượng tro thấp. Và đây cũng sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên nên an toàn với môi trường, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi đã thử một số loại than khác, tuy nhiên than hoạt tính, than gáo dừa vẫn lành mạnh hơn, vượt trội hơn về chất lượng và độ an toàn”.

Sản xuất than gáo dừa ở Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên, huyện Đồng Phú

Sản xuất than gáo dừa ở Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên, huyện Đồng Phú

Để tạo được sự tin cậy của khách hàng không phải chỉ trong một sớm một chiều mà kết quả đến từ sự kiên trì thực hiện cam kết mang đến cho khách hàng, cho môi trường sản phẩm sạch và xanh của Công ty Cao Nguyên suốt những năm qua. Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên khẳng định: “Slogan của công ty chúng tôi đề ra ngay từ ngày đầu thành lập là “Năng lượng sạch cho cuộc sống xanh” và chúng tôi cam kết thực hiện. Ngay từ nguyên liệu đầu vào được sàng lọc rất cẩn thận và đạt được những tiêu chí về nhiệt lượng, tỷ lệ tro, tỷ lệ carbon hóa để không thải khói độc hại ra môi trường. Quy trình sản xuất cũng vậy, những phụ phẩm chúng tôi đưa vào sản phẩm phải phục vụ được cho ngành thực phẩm, không ảnh hưởng sức khỏe người dùng, người lao động. Đó là những điều chúng tôi cam kết và sẽ đi đến cùng”.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên (thứ 4 từ phải qua) tin tưởng sản phẩm than hoạt tính của công ty sẽ được xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Đức, Bỉ, Hà Lan, Mỹ… - Ảnh: Viết Bằng

Bà Cẩm Hằng cho biết thêm, với sự kiên trì đó, hiện sản phẩm của công ty đã vượt qua nhiều vòng kiểm tra gắt gao để xuất khẩu được vào những thị trường khó tính châu Âu, châu Mỹ như Đức, Bỉ, Hà Lan, Mỹ…

Tương lai xán lạn

Sản xuất và tiêu dùng xanh đang trở thành xu thế. Ở Việt Nam, dù đang trong giai đoạn khởi động nhưng việc chuyển hướng sản xuất phù hợp với các giá trị của thế giới được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực, tươi sáng cho DN, cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng, đó là xanh hơn, bền vững và thịnh vượng hơn.

Khách mời tham gia tọa đàm chủ đề “Hành động vì tương lai xanh” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Khách mời tham gia tọa đàm chủ đề “Hành động vì tương lai xanh” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Ông Trần Quốc Duy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước, phân tích: DN phải nhìn thấy được những gì mình có thể có được khi thiết kế lộ trình chuyển đổi xanh. Rõ ràng, khi DN đầu tư công nghệ theo hướng sản xuất xanh, như đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, đầu tư để sử dụng những nguyên vật liệu sản xuất, xây dựng tiết kiệm chi phí điện năng, sử dụng hóa chất ít độc hại hoặc không độc hại, đầu tư cho hệ thống xử lý rác thải, quy trình quản lý nước thải… sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Có những DN mỗi năm tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Điều này sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Từ đó, DN tiếp tục có nguồn vốn để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm cho công nghệ, thậm chí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm để có những bước tăng trưởng đột phá, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều DN Việt Nam có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế (như tiêu chuẩn ISO 14000) để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... và hưởng thuế suất ưu đãi.

Ông TRẦN QUỐC DUY
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước

Bày tỏ niềm tin về sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển trên nền tảng chính là kinh tế xanh, kinh tế số. Đó là bệ phóng để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. “Chắc chắn trong tương lai, kinh tế Việt Nam sẽ xán lạn hơn. Tôi nghĩ rằng chỉ trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam sẽ có vị thế khác ở thế giới vì có rất nhiều lợi thế. Ngoài địa chính trị thì Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển tốt ngành nông nghiệp, có thế mạnh về năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Các lĩnh vực khoa học - công nghệ cũng ngày càng được chú trọng hơn” - chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương tin tưởng.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương tin tưởng, khi chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, Bình Phước sẽ vẽ nên một bức tranh rất mới cho chính mình trong tương lai - Trong ảnh: Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ - Ảnh: Phú Quý

Đối với tỉnh Bình Phước, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương cho rằng, khi chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tỉnh sẽ vẽ nên một bức tranh rất mới cho chính mình trong tương lai. Đó là hình ảnh một địa phương không chỉ mạnh về phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu mà còn là điểm đến hấp dẫn theo xu hướng phát triển bền vững cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/154470/san-xuat-xanh-do-chung-ta-va-cho-chung-ta