Sáng 11/12, 70 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, Mỹ tiến sát mốc 16 triệu người nhiễm bệnh
Tính đến 6h ngày 11/12, thế giới ghi nhận tổng cộng 70.654.479 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.587.044 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 15,9 triệu ca mắc và hơn 298.700 trường hợp tử vong.
Hơn 3.000 người Mỹ tử vong vì căn bệnh này trong 1 ngày, nhiều hơn cả vào sự kiện khủng bố 11/9. Ảnh: TL
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 15,9 triệu ca mắc và hơn 298.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 137.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giới chức Mỹ cảnh báo, số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến trong bối cảnh hàng triệu người đã đi du lịch khắp đất nước trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn hồi tháng 11, bất chấp những khuyến cáo hạn chế di chuyển để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Trước tình hình chuỗi lây lan ngày càng rộng và không thể kiểm soát của virus SARS-CoV-2, trong ngày 10/12, các chuyên gia Mỹ đã nhóm họp để đánh giá về khả năng triển khai khẩn cấp loại vaccine tiềm năng do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 là trên 9,79 triệu trường hợp, bao gồm hơn 142.200 bệnh nhân thiệt mạng. Ngày 10/12, Ấn Độ báo cáo hơn 33.200 ca mắc COVID-19 mới.
Brazil đã ghi nhận hơn 51.600 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên trên 6,78 triệu trường hợp. Hơn 179.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Giới chức y tế Pháp xác nhận, ngày 10/12, nước này có thêm hơn 13.700 ca nhiễm COVID-19. Pháp ghi nhận tổng cộng trên 2,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 56.900 trường hợp ca tử vong sau khi có thêm 291 ca tử vong trong ngày 10/12. Thông tin này khiến dư luận quan ngại về kế hoạch nới lỏng hạn chế xã hội mà Chính phủ Pháp dự kiến sẽ thực hiện vào giữa tháng 12 này.
Tại Đức, tình hình dịch bệnh cũng rất nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 28.000 ca nhiễm mới và 527 trường hợp tử vong.
Đến sáng 11/12, thế giới đã ghi nhận trên 70 triệu ca mắc COVID-19. Ảnh minh họa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc trong dịp Giáng sinh để kiểm soát COVID-19. Bà Merkel cũng đề nghị Quốc hội Đức xem xét việc phong tỏa trên diện rộng sau Giáng sinh, ủng hộ việc đóng cửa các trường học và cửa hàng đến hết ngày 10/1/2021. Theo bà Merkel, làn sóng dịch bệnh thứ hai nghiêm trọng hơn đợt dịch thứ nhất. Nguyên nhân là do người dân đã không hạn chế tiếp xúc hiệu quả.
Chính phủ Hàn Quốc đang để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục siết chặt phòng dịch và xem xét nâng giãn cách xã hội lên cấp độ 3, mức cảnh báo cao nhất. Ngày 10/12, nước này đã ghi nhận gần 700 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới cao kỷ lục tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều ổ lây nhiễm tập thể mới ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận, khiến cơ quan y tế sở tại gặp nhiều khó khăn trong công tác ngăn chặn dịch bệnh.
Trước tình hình này, giới chức y tế Hàn Quốc kêu gọi, người dân cần tuân thủ triệt để các hướng dẫn phòng dịch và tăng cường giãn cách xã hội, đặc biệt ở khu vực thủ đô Seoul.
Ngoài ra, nước này cũng ban hành hướng dẫn mới nhằm hỗ trợ người dân được xét nghiệm COVID-19 một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất có thể.
Nhật Bản ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong một ngày ở mức kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Ảnh: TL
Cùng ngày, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận thêm 602 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày tại Tokyo cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Trong số ca nhiễm mới tại Tokyo, bệnh nhân trong độ tuổi 20 - 40 là nhiều nhất.
Chính quyền thủ đô Tokyo hiện vẫn duy trì cảnh báo dịch COVID-19 ở mức cao nhất. Các cửa hàng ăn uống phục vụ rượu, bia, cửa hàng karaoke… chỉ được mở cửa đến 22h, áp dụng đến ngày 17/12. Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân cân nhắc việc di chuyển trong dịp cuối năm.
Tại Đông Nam Á, các cơ quan chức năng Campuchia ngày 10-12 đã quyết định đóng cửa một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn ở 2 tỉnh Mondulkiri và Kratie, sau khi phát hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ thủ đô Phnom Penh có dấu hiệu lan ra các địa phương.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Campuchia là 356 người, trong đó có 39 ca liên quan ổ dịch phát hiện ngày 28-11. Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hy vọng Campuchia có thể nhận được số vắc xin ngừa Covid-19 đủ để tiêm phòng cho 20% dân số nước này vào đầu hoặc giữa năm 2021.