Sáng 27/11: Có gần 3.000 ca COVID-19 trong 7 ngày, bệnh nhân nặng đang điều trị cao nhất thời gian qua
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày, tổng số ca mắc COVID-19 cả nước là gần 3.000 ca, trung bình khoảng 440 ca/ ngày; hiện có 108 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị, đây là thời điểm số bệnh nhân nặng cao nhất trong nhiều ngày qua...
7 ngày ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ngày 26/11 có 427 ca COVID-19 mới, giảm hơn 100 trường hợp so với ngày trước đó. Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19, trung bình khoảng 440 ca/ngày; con số này tương đương với 7 ngày trước đó, chỉ tăng nhẹ khoảng vài chục ca. Trong 7 ngày qua, ngày có số mắc cao nhất là 25/11 với 574 ca, ngày thấp nhất là 20/11 với 274 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.514.174 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.359 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.608.059 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân nặng là 108 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ: 77 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 15 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 14 ca. Đây cũng là thời điểm có số bệnh nhân nặng cao nhất trong nhiều ngày qua, trước đó chỉ dao động khoảng hơn 40 ca- 70 ca, hoặc hơn 80 ca nặng.
Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 tại Bình Thuận tử vong, trước đó thường ghi nhận 1-2 trường hợp.
Tuy nhiên theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng
Tại hội thảo "Tăng cường y tế cơ sở nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng" do Bộ Y tế vừa tổ chức, PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết hợp tác tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại Việt Nam triển khai thực hiện thời gian qua đã mang lại những tác động hết sức tích cực đối với cộng đồng dân cư, đối với hệ thống cung ứng dịch vụ CSSKBĐ cũng như đối với công tác quản trị hệ thống y tế.
Đối với cộng đồng dân cư, các can thiệp đã giúp tăng nhanh số bệnh nhân cao huyết áp và đái tháo đường mới được phát hiện, giảm thiểu tỷ lệ mất dấu bệnh nhân cũng như cải thiện tỷ lệ bệnh nhân được quản lý và điều trị đầy đủ.
Đối với hệ thống y tế cơ sở hợp tác đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng tư vấn truyền thông cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu và đặc biệt giúp cải thiện sự tương tác hiệu quả giữa TYT xã và TTYT huyện.
Đối với công tác quản trị hệ thống y tế, quá trình triển khai hoạt động trên thực địa mang lại những gợi ý hữu ích cho công tác hoàn thiện khung chính sách liên quan tới CSSKBĐ.
Bên cạnh sự thành công về kỹ thuật, hợp tác cũng được xem là mô hình thành công về sự hợp tác công tư hướng tới tầm nhìn chung về tăng cường CSSKBĐ tại Viêt Nam.
Hoạt động Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm tăng cường hệ thống y tế địa phương trong phòng ngừa và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại 26 trạm y tế xã.
Được khởi động từ tháng 12/2019 và đến tháng 11/2022, hoạt động hợp tác đã được triển khai tại 68 trạm y tế tại 14 huyện/thị xã của 7 tỉnh bao gồm Yên Bái, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu tiếp cận, truyền thông giáo dục sức khỏe và khám sàng lọc nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường cho 225.000 dân số mục tiêu và hơn 350 cán bộ Y tế cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm về quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng trên địa bàn triển khai hoạt động hợp tác.