Sáng chế 'để đời' duy nhất của Hòa Thân: Đến nay vẫn được dùng, ai cũng từng thấy qua một lần
Hóa ra, món đồ quen thuộc là sản phẩm sáng tạo của đại tham quan Hòa Thân.
Hòa Thân – Đại tham quan khét tiếng
Hòa Thân còn có tên khác là Hòa Khôn, tự Trí Trai, thuộc tộc Nữu Hỗ Lộc của Mãn Châu, sinh năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), mất ngày 22/02/1799, là một vị quan đại thần của triều Mãn Thanh thời vua Càn Long. Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công.
Thi cử không đỗ đạt, Hòa Thân vào cung làm thị vệ, nhờ sự khôn khéo, hiểu lòng Càn Long mà có thể leo đến chức quan đứng đầu triều đình, được vua hết mực trọng dụng. Hòa Thân cũng dựa vào đó để tham ô, nhận hối lộ, vơ vét không biết bao nhiêu là tài sản của dân chúng.
Càn Long tuổi đã già, sức đã yếu nên các việc trọng đại trong triều tự nhiên rơi vào tay Hòa Thân. Hòa Thân nắm được quyền to, các đại sự khác không thèm ngó ngàng, chỉ một mực vơ vét của cải. Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung. Hoàng đế Càn Long chẳng hỏi han gì, những người khác chẳng ai dám cáo nên lòng tham của Hòa Thân ngày càng lớn.
Sau nhiều năm tham nhũng, của cải của Hòa Thân nhiều tới mức không đếm xuể. Số kỳ trân dị bảo ông ta thu thập được đa dạng và phong phú tới mức trong dân gian có một lời đồn tương truyền rằng "Cái gì Càn Long có thì Hòa Thân cũng có, thế nhưng cái Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân đã không có". Theo sử sách ghi chép lại, tài sản trong phủ Hòa Thân vào khoảng 800 triệu lạng bạc cùng nhiều cửa hàng, ruộng đất với tổng tài sản khoảng 1,1 tỷ lượng bạc, tương đương 15 năm quốc khố đại Thanh.
Hậu thế biết được tai tiếng về Hòa Thân là một đại tham quan, tuy nhiên, ít ai biết rằng, ông còn là một nhà sáng chế sáng giá. Bằng chứng là sáng chế vượt thời đại của Hòa Thân đến nay vẫn được rất nhiều người sử dụng. Có thể nói, hầu hết ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần nhìn thấy món đồ do Hòa Thân sáng tạo ra. Vậy đó là thứ gì?
Sáng chế "để đời" của Hòa Thân
Nguồn cơn của phát minh này là vào năm 1785, hoàng đế Càn Long quyết định tổ chức bữa tiệc lớn gọi là Thiên tẩu yến. Đây là bữa tiệc mà hoàng đế Càn Long muốn mời mọi người già trên khắp cả nước đến tham dự.
Thực tế, đây không phải là bữa tiệc đầu tiên mà hoàng gia tổ chức để mời dân chúng. Trước đó, vua Khang Hy đã 2 lần tổ chức yến tiệc chiêu đãi hàng nghìn trưởng lão trong nước với quy mô rất hoành tráng. Điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Càn Long. Vì vậy vào năm ông 74 tuổi, Càn Long đã tổ chức Thiên tẩu yến.
Hoàng đế cho người thông báo khắp cả nước mời những người già trên 65 tuổi tới kinh thành dự yến tiệc. Tất nhiên, những người dân thường khi nghe điều này đều rất phấn phởi, ai cũng muốn được một lần trong đời thấy vua là như thế nào, cung điện lộng lẫy ra sao, của ngon vật lạ trong cung có gì đặc sắc. Do đó, không ít người dù ở rất xa cũng cố gắng đi quãng đường dài tới kinh thành.
Biết được tấm lòng của người dân, hoàng đế Càn Long cũng sai người sắp xếp phòng nghỉ cho những người ở phương xa tới. Bữa yến tiệc được tổ chức xa hoa, lộng lẫy với hơn 800 mâm tiệc, khắp trong ngoài cung đều trang trí rực rỡ. Theo thống kê, số lượng người tham gia buổi tiệc lên tới hơn 3.900.
Mặc dù buổi yến tiệc đầu tiên được tổ chức thành công nhưng Càn Long vẫn không vui. Nguyên nhân là vì yến tiệc tổ chức vào mùa đông, khi các món ăn được bê ra thì hầu hết chúng đều đã quá nguội. Hoàng đế Càn Long cảm thấy khó chịu khi thấy cảnh những cụ già ngồi ăn trong giá lạnh và không thể ăn do thức ăn quá cứng và nguội.
Do đó, hoàng đế Càn Long đã yêu cầu Hòa Thân khi đó là người đứng đầu Nội vụ phủ giải quyết vấn đề này. Hòa Thân để làm vui lòng hoàng đế nên đã bỏ ra rất nhiều công sức tìm các món ăn ngon. Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng Hòa Thân nghĩ ra một cách là món ăn phải thật nóng và có thể ăn nhiều nguyên liệu cùng một lúc. Lúc này, ông ta chợt nhớ tới thịt dê nhúng món phù hợp nhất để ăn trong tình cảnh này.
Truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất là về Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt với món thịt dê nhúng. Năm đó khi Hốt Tất Liệt dẫn quân xuống phía Nam, lúc ông đang dựng trại đóng quân và chuẩn bị bữa tối thì có cấp báo tình hình chiến sự từ tiền tuyến. Lúc này không kịp hầm thịt dê, nhưng cũng không thể để bụng đói đi đánh trận. Dưới sự thúc giục của Hốt Tất Liệt, người đầu bếp đã thái thịt dê thành từng lát mỏng, cho vào trong nước sôi, sau đó vớt ra rồi rắc thêm muối. Các tướng sĩ nhanh chóng ăn xong, sau đó vội vàng lên ngựa nghênh địch. Hốt Tất Liệt rất tán thưởng phương pháp này, chẳng những nấu nhanh không kéo dài thời gian làm lỡ việc chiến đấu, mà thịt lại vô cùng tươi ngon. Từ đó trong quân thường xuyên nấu món thịt dê nhúng này.
Hốt Tất Liệt định đô ở Bắc Kinh, món thịt dê nhúng lẩu mà ông yêu thích thường có mặt trong các buổi yến tiệc cung đình xa hoa. Nồi đồng nấu món thịt dê nhúng, khi đậy nắp thì giống như nhà bạt Mông Cổ, mở nắp ra lại giống như nón giáp của kỵ binh Mông Cổ. Tương truyền, Marco Polo đã từng được thưởng thức món lẩu Mông Cổ này ở trong hoàng cung triều Nguyên, cho nên món thịt dê nhúng lẩu được dịch qua Anh ngữ là Mongolian (Hot Pot), còn người Nhật Bản và người Nam Hàn gọi món lẩu là "Hốt Tất Liệt." Đây là những cái tên đầu tiên của món lẩu.
Hòa Thân đã đưa ra thêm một quyết định táo bạo nữa, đó là thiết kế một nồi nấu lẩu kiểu mới. Loại nồi lẩu này có thêm phần bụng đựng than ở giữa và vành đựng thức ăn xung quanh. Để nấu nồi lẩu độc đáo này, người ta cho than hồng vào cái ống khói giữa nồi, thổi gió từ dưới lên khiến cho than cháy đỏ, tạo ra sức nóng làm chín nồi lẩu. Như vậy thức ăn vừa nóng mà người ngồi ăn không bị khói ám vào người. Đồng thời, Hòa Thân đã thêm nhiều loại thịt, rau củ và gia vị gia giảm để món lẩu thêm hấp dẫn hơn.
Vào ngày diễn ra Thiên tẩu yến thứ hai, hoàng đế càn Long đã đãi mọi người bằng hơn 1.550 nồi lẩu lẩu thịt gà, thịt dê và nấm Khẩu Bắc. Như vậy, những người đến tham dự ngồi quây quần bên nồi lẩu vừa ăn vừa uống, đồ ăn được tiếp thêm liên tục. Ai nấy đều không quên chúc thọ hoàng đế và khen ngợi sự thông thái của ngài. Càn Long nhìn khung cảnh các cụ già ăn uống vui vẻ, sôi động nên cảm thấy rất hài lòng và càng thêm tin tưởng Hòa Thân.
Sau này, những người tham gia Thiên tẩu yến của Càn Long đã mang cách làm cũng như cách thiết kế nồi lẩu của Hòa Thân về truyền bá ở nơi họ sinh sống. Từ đó, món lẩu đã nhanh chóng phổ biến cả miền Bắc và Nam của Trung Quốc. Cho đến tận ngày nay, nồi lẩu do Hòa Thân thiết kế vẫn được sử dụng trong nhiều gia đình.
- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: Tiền phong/CCTV.