Sáng đầu tuần người dân đi làm, tàu Cát Linh-Hà Đông ít khách
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng nay (22/11), những chuyến tàu Cát Linh-Hà Đông khá ít khách dù là đầu tuần người dân, nhân viên công sở đi làm.
Người dân phản ánh còn thiếu nhiều tiện ích
Tại thời điểm người dân bắt đầu ra đường đi làm lúc 7h30 sáng nay (22/11), tại sảnh nhà ga Cát Linh, nơi mua vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông khác vắng vẻ, không còn cảnh đông đúc, chen nhau đi tàu như vào sáng buổi sáng trước đó, khi tàu Cát Linh - Hà Đông phục vụ miễn phí người dân.
Chị Nguyễn Thị Huyền Anh, ở Liễu Giai, Ba Đình cho biết, giá vé tháng tính ra chỉ chưa đến 7.000 đồng/ngày nên phù hợp với cả người mới đi làm, thu nhập thấp.
“Tôi làm việc theo ca, nhiều hôm 21h - 22h đêm mới được về. Giờ có tuyến tàu điện này lợi đủ đường, đi sớm về muộn, trời mưa nắng cũng không lo, nhất là không bị tắc đường, chen chúc như đi xe máy, xe buýt...”, chị Huyền Anh nói.
Còn chị Chu Kim Trang, ở Long Biên, Hà Nội cho biết, khá bất ngờ với không khí vắng vẻ ở nhà ga Cát Linh hôm nay. Chị đi chọn đi tàu Cát Linh - Hà Đông vì thử xem có thuận tiện không, một phần vì ngại đông nên hôm nay mới đi thử tàu.
"Còn nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi thấy còn nhiều điểm cần phải khắc phục để thu hút người đi tàu, như là thiếu dịch vụ đổi tiền, rút tiền các nhà ga hiện nay", chị Trang cho biết.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thảo Vân, ở Sài Đồng, Long Biên cho biết, để đi làm mình thấy hơi bất tiện, chỉ phù hợp với nhân viên công sở đến làm việc và không đi giao tiếp bên ngoài. Như mình, từ nhà đến công ty làm việc thấy thuận lợi, nhưng đến công ty mình phải đi giao dịch với nhiều khách hàng nên vẫn bắt buộc sử dụng xe cá nhân.
“Tôi thấy tàu đi khá nhanh, vắng. Nếu so với đi xe cá nhân thì phải mất rất lâu mới di chuyển được quãng đường này. Tuy nhiên cần có nhiều phương tiện kết nối cũng như có điểm trông giữ xe thuận tiện cho khách đi tàu thì sẽ tốt hơn..”, chị Vân cho biết.
Tạo thói quen, văn hóa sử dụng tàu điện cho người dân
Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng 22/11 tại các một số ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong ngày bán vé đầu tuần, lượng khách đến các ga giảm đáng kể so với thời điểm tàu vận chuyển miễn phí vừa qua (từ 6 - 20/11).
Lượng khách đông nhất là tại hai ga đầu tuyến Cát Linh và Yên Nghĩa. Sau đầu giờ buổi sáng, các chuyến tàu xuất phát tại ga đầu tuyến trung bình đạt trên dưới 120 khách/chuyến, tại các ga dọc tuyến thường có 10 - 20 khách lên, xuống.
So với các ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) trước đó, lượng khách giảm hơn. Trong khung giờ cao điểm, tại nhiều sân ga, số lượng khách ngồi đợi tàu khá thưa vắng.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) nhận định, do là ngày nghỉ và hành khách phải mua vé nên chưa thể khẳng định được lượng hành khách đi trên tuyến này.
“Chúng ta sẽ phải khảo sát trong nhiều ngày tới khi người dân đi làm, đi học. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện, phục vụ nhu cầu của hành khách được nhanh, thuận tiện nhất”, ông Trường nói.
Ghi nhận tại quầy vé một số ga như: Cát Linh, Yên Nghĩa, Văn Quán, Thượng Đình...đối tượng mua nhiều nhất là vé lượt, vé ngày để tham quan, trải nghiệm tàu điện, song cũng khá nhiều khách mua vé tháng phổ thông để đi lại hàng ngày.
Khẳng định đối tượng của đường sắt đô thị hướng tới là những người đi lại thường xuyên đi vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) nhận định, mỗi phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định.
Vì vậy, một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề về ùn tắc mà cần có cả một hệ thống. “Chỉ khi nào hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra của giao thông đô thị ở các thành phố lớn”, ông Trường nói.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, trong 15 ngày vận hành miễn phí (từ ngày 6/11), đơn vị đã vận hành được 2.554 chuyến tàu an toàn, chở 380.510 hành khách.
Như vậy, bình quân 1 ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được khoảng 25.000 hành khách, trong đó lượng người đi bình quân của ngày làm việc là khoảng 19.000 hành khách.
Về lượng phân bổ hành khách, theo ông Trường, ga Cát Linh chiếm 28%, ga Yên Nghĩa chiếm 24%. Còn lại 10 nhà ga chiếm hơn 40%.
Riêng ga Cát Linh mỗi ngày có từ 1.000 - 1.500 người gửi xe máy (chiếm 18,4% lượng người đi tàu ở ga này)./.