Sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp cứu sống bệnh nhân gặp tình trạng tối cấp cứu
Các bác sĩ Viện Tim Mạch Việt Nam vừa can thiệp cấp cứu, cứu sống một bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng vỡ, một tình trạng tối cấp cứu, nguy cơ tử vong là hầu như khó tránh khỏi nếu không được can thiệp kịp thời. Đặc biệt, quá trình triển khai các bác sĩ đã cải tiến giúp việc thực hiện kỹ thuật diễn ra an toàn và hiệu quả hơn.
Bệnh nhân mới được can thiệp là Q.T.T (nam 77 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp, đã đặt stent động mạch vành cách đây 8 năm. Khi nhập viện tuyến dưới trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả thăm khám, chụp cắt lớp vi tính, người bệnh được xác định có khối phình động mạch chủ bụng vỡ gây tụ máu sau phúc mạc. Sau khi hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia Viện Tim Mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng của người bệnh cần được xử lý cấp cứu rồi chuyển thẳng đến Phòng Tim mạch can thiệp của Viện Tim Mạch Việt Nam.
Trong thời gian hội chẩn và vận chuyển, các chuyên gia đo đạc và chuẩn bị sẵn các trang thiết bị phù hợp và chuẩn bị nhân lực sẵn sàng để thực hiện thủ thuật cấp cứu.
Xác định đây là một trường hợp nặng, trên hình ảnh chụp cắt lớp khối phình đã vỡ ra khoang sau của ổ bụng, nguy cơ đe dọa đến tính mạng người bệnh, các bác sĩ tại Viện Tim Mạch Việt Nam đã tiến hành khởi động “Đội nhóm Tim mạch - Heart team” gồm: bác sĩ phẫu thuật tim mạch, bác sĩ can thiệp tim mạch, bác sĩ hồi sức cùng thống nhất đưa ra chiến lược phù hợp nhất. Với bệnh nhân này bị phình động mạch chủ bụng vỡ sau phúc mạc kèm bệnh lý tim mạch đi kèm như tăng huyết áp, bệnh lý động mạch vành, các bác sĩ đã chỉ định can thiệp nội mạch đặt stent graft cấp cứu và thực hiện can thiệp cấp cứu ngay lập tức trong đêm.
Sau một giờ đồng hồ cân não, chạy đua với thời gian, tận dụng từng giây, từng phút để tiến hành thủ thuật, giành giật sự sống cho bệnh nhân, các bác sĩ đã hàn gắn được đoạn động mạch chủ bị vỡ bằng hệ thống Stent graft. Ca can thiệp đã thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa các bộ phận Stent graft đi qua động mạch đùi để kết nối và lót ở bên trong thành mạch giúp bảo vệ động mạch chủ khỏi áp lực của dòng máu và bảo vệ động mạch chủ khỏi vỡ.
Đặc biệt là, các bác sĩ đã sử dụng một quả bóng đưa lên đoạn trên của động mạch chủ ngực trước chỗ phình vỡ để bơm bóng căng lên làm hạn chế dòng máu chảy xuống chỗ vỡ và giảm áp lực, giảm tối đa chảy máu qua chỗ vỡ và giúp thao tác đặt stent graft an toàn hơn.
Sau khi được can thiệp, người bệnh được chuyển sang theo dõi, điều trị tại khoa Cấp cứu và hồi sức Tim mạch. Kết quả chụp lại phim cắt lớp vi tính động mạch chủ cho kết quả Stent graft áp thành tốt. Can thiệp động mạch chủ bụng với đường vào từ động mạch đùi rất nhỏ, ít xâm lấn nên bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, có thể đi lại nhẹ nhàng ngay trong ngày đầu sau can thiệp. Bệnh nhận hồi phục hoàn toàn và xuất viện sau 3 ngày theo dõi và điều trị.
GS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, người trực tiếp chỉ đạo quá trình can thiệp cho biết: Phình động mạch chủ bụng vỡ là một tình trạng tối cấp cứu, nguy cơ tử vong đặc biệt cao, cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Nếu không được can thiệp hoặc phẫu thuật cấp cứu kịp thời thì hầu như bệnh nhân không có cơ hội sống sót. Trước đây, phẫu thuật là biện pháp kinh điển để cứu cứu người bệnh, nhưng nguy cơ tử vong vẫn còn cao, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền đi kèm.
Việc triển khai kịp thời ca cấp cứu phình động mạch chủ bụng vỡ có sự phối hợp nhóm - “Đội nhóm Tim mạch - Heart Team” trong việc đưa ra phương án tối ưu nhất đối với mỗi trường hợp bệnh.
GS Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm can thiệp bệnh lý động mạch chủ bụng (Endovascular Aneurysm Repair - EVAR) là một tiến bộ quan trọng trong điều trị bệnh lý phình động mạch chủ bụng. EVAR được thực hiện bằng cách đưa các ống Stent graft (một loại stent có màng bọc, thiết kế phù hợp kích thước động mạch chủ) qua đường vào rất nhỏ từ động mạch đùi 2 bên, đưa lên gá từ phần trước chỗ phình (cổ túi phình) đến phần xa là động mạch chậu 2 bên. Sau khi dụng cụ Stent graft được thả ra sẽ tạo thành một ống mạch nhân tạo mới đi từ chỗ lành (trên) đến chỗ lành (dưới) vượt qua chỗ phình/vỡ. Nhờ đó đã tạo được một “ống mạch nhân tạo bên trong lòng mạch mà không cần phải phẫu thuật.
So với phẫu thuật mở điều trị phình động mạch chủ, can thiệp nội mạch ( EVAR) là thủ thuật ít xâm lấn có hiệu quả làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như các biến chứng liên quan đến phẫu thuật. Can thiệp nội mạch đặc biệt mang lại hiệu quả cứu sống người bệnh ở những bệnh nhân phình động mạch chủ bụng vỡ, tình trạng nguy kịch, bệnh nhân có nhiều bệnh phối hợp.
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bệnh lý động mạch chủ được điều trị tại Viện tim mạch Việt Nam ngày càng gia tăng và đặc biệt có rất nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng vỡ, dọa vỡ cần được xử lý phẫu thuật hoặc can thiệp cấp cứu ngay lập tức. Những năm gần đây số bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị cho bệnh nhân bệnh lý động mạch chủ tại Viện là khoảng hơn 200 ca trong đó cấp cứu phình động mạch chủ bụng cần thực hiện can thiệp cấp cứu ngay lập tức khoảng 20-30 ca mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đặc biệt mang lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân phình động mạch chủ bụng vỡ vào viện trong tình trạng nguy kịch, sốc mất máu.
Qua trường hợp của bệnh nhân Q.T.T, các bác sĩ khuyến cáo người dân có các bệnh lý tim mạch nền nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe. Trong trường hợp có triệu chứng cần đi khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh bỏ lỡ thời gian vàng để cứu sống người bệnh cũng như làm giảm các biến chứng cho người bệnh.
Một trường hợp bệnh nhân khác được cứu sống với kỹ thuật này đã được các bác sĩ Viện Tim Mạch Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng quốc tế thông qua một bài báo khoa học đăng trên Tạp Chí của Trường môn Tim Mạch Hoa Kỳ (Journals of the American College of Cardiology). Đây là tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Y Học-Tim Mạch.
Lời giới thiệu tóm tắt của bài báo có nhấn mạnh: “Đây là ghi nhận chi tiết một trường hợp lâm sàng ứng dụng sáng kiến kỹ thuật tại Việt Nam. Trong bối cảnh có sự thiếu thốn về trang thiết bị, sáng kiến bằng việc sử dụng một quả bóng làm tắc tạm thời động mạch chủ (trước chỗ phình vỡ) giúp ổn định huyết động của bệnh nhân và giảm nguy cơ mất máu khi làm thủ thuật. Cách tiếp cận này có hiệu quả với bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ bụng và trong tình trạng huyết động không ổn định”.