Sáng kiến hỗ trợ phát triển

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây công bố báo cáo cho biết, khoảng một tỷ người dân châu Phi vẫn sử dụng củi, than và các loại nhiên liệu thô sơ để nấu ăn. Xét trên quy mô toàn cầu, con số này lên tới hai tỷ người. Đây là một thực trạng đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại Cairo, Ai Cập, ngày 8/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại Cairo, Ai Cập, ngày 8/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol chỉ rõ, khoảng 4/5 số hộ gia đình ở châu Phi vẫn đang sử dụng các hình thức nấu nướng truyền thống như đốt củi, than, phân hay rác thải nông nghiệp. Đây là một trong những bất công lớn nhất của thời đại hiện nay, nhất là với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tại châu Phi, khi các hình thức đốt thủ công thải ra bụi mịn, gây ô nhiễm không khí, có thể xâm nhập vào phổi, gây ra hàng loạt vấn đề về hô hấp và tim mạch.

Thói quen dùng bếp củi nấu ăn cũng góp phần làm gia tăng , vốn là những “bể chứa” CO2 tự nhiên, có vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. IEA ước tính, mỗi năm có khoảng 815.000 ca tử vong sớm tại do ô nhiễm không khí trong nhà, phần lớn xuất phát từ các phương pháp nấu ăn không an toàn. Ngoài ra, hàng triệu phụ nữ và trẻ em phải dành nhiều giờ mỗi ngày để thu gom và đốt nhiên liệu, làm giảm thời gian học tập và lao động tạo thu nhập.

Tại hội nghị thượng đỉnh do IEA tổ chức ở Paris (Pháp) tháng 5/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết huy động 2,2 tỷ USD từ khu vực công và tư để ứng phó với tình trạng này. Bên cạnh đó, 12 quốc gia châu Phi cũng thống nhất cam kết chính trị. Kể từ đó đến nay đã có 470 triệu USD được phân bổ và một loạt các thành tựu cụ thể được ghi nhận. Trong số đó có nhà máy sản xuất bếp ăn sạch, thân thiện với môi trường đang được xây dựng tại Malawi và chương trình cung cấp bếp nấu giá rẻ được triển khai tại Uganda và Côte d’Ivoire.

Từ năm 2010, có khoảng 1,5 tỷ người tại châu Á và Mỹ Latin, nhất là Brazil, Ấn Độ và Indonesia, được tiếp cận các loại bếp và nhiên liệu nấu ăn hiện đại. Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn tại vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi số người chưa được tiếp cận với các phương pháp nấu ăn sạch vẫn tiếp tục gia tăng.

IEA đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phổ cập phương pháp nấu ăn sạch tại châu Phi trước năm 2040. Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, chỉ cần đầu tư khoảng hai tỷ USD/năm (khoảng 0,1% tổng đầu tư năng lượng toàn cầu), toàn bộ châu Phi có thể đạt được mục tiêu tiếp cận cách thức nấu ăn sạch vào năm 2040.

Các giải pháp khả thi đã được xác định như sử dụng điện từ năng lượng mặt trời hoặc khí đốt hóa lỏng (LPG). Dù không phải là giải pháp lý tưởng, nhưng LPG được đánh giá là lựa chọn phù hợp hơn so với việc tiếp tục phá rừng lấy củi. IEA cũng khuyến nghị các nước cần triển khai các chính sách tài chính hỗ trợ hộ gia đình tiếp cận thiết bị nấu ăn sạch và thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Nếu được thực hiện đầy đủ, sáng kiến chuyển đổi năng lượng này có thể giúp ngăn ngừa 4,7 triệu ca tử vong sớm tại vùng Nam sa mạc Sahara từ nay đến năm 2040, đồng thời giảm 540 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương lượng phát thải carbon của toàn ngành hàng không toàn cầu.

Rất cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới trong thúc đẩy thực hiện sáng kiến nói riêng cũng như các sáng kiến hỗ trợ phát triển đối với các khu vực còn nghèo nàn lạc hậu. Những vấn nạn nghèo đói và xung đột ở những vùng kém phát triển kéo theo nhiều hậu quả như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, dòng người di cư tị nạn… đang lan rộng trở thành những thách thức toàn cầu.

TÔ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sang-kien-ho-tro-phat-trien-post895076.html