Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện

Ngày 21/7, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm 'Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau'. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học khẳng định, chuyển đổi xe máy xăng sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch là giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện chất lượng không khí Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho biết, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị là giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.

Từ 1/1/2028, không có xe mô-tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3.

Việc thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện là một chủ trương nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ một trong những nguồn phát thải lớn nhất là phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đây là một chủ trương có tác động rất sâu rộng đến người dân Thủ đô, trước mắt là những người sống và làm việc trong khu vực vành đai 1. Rất nhiều vấn đề được người dân quan tâm như chính sách hỗ trợ chuyển đổi như nào, hệ thống trạm sạc được xây dựng ra sao, giao thông công cộng được hoàn thiện như thế nào…

Vì vậy, tọa đàm kỳ vọng các chuyên gia đóng góp giải pháp để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 Các chuyên gia tham dự, chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Các chuyên gia tham dự, chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Quyền Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua, thường xuyên được đề cập tại các diễn đàn chính sách cấp cao. Theo dõi các chỉ số chất lượng không khí tại hai thành phố lớn nhất cả nước, bà Ánh cho biết trong thời gian dịch Covid-19, không khí rất sạch, nhưng từ khi các hoạt động kinh tế phục hồi, gần như không còn ngày nào đạt ngưỡng sạch đúng nghĩa. Riêng ba tháng cuối năm 2024, có đến 47 ngày rất xấu, trong đó cao điểm, chỉ số AQI chạm mức 246.

Bà Ánh nhấn mạnh, muốn xác định nguyên nhân ô nhiễm một cách chính xác, không thể thiếu hoạt động kiểm kê khí thải. Tuy nhiên, hiện nay các nguồn phát thải thường là nguồn động, linh hoạt, thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, kinh phí kiểm kê còn thiếu, phương pháp cũng chưa thống nhất.

Theo báo cáo của Hà Nội, ô nhiễm do giao thông chiếm tới hơn 60%, nhưng Bộ đánh giá con số thực tế khoảng 35%, trong đó khí thải xe chiếm 12%, bụi từ hoạt động giao thông 23% – vẫn là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất. Tiếp đó là bụi xây dựng (17-18%) và đốt ngoài trời như rơm rạ, lốp xe (15-16%).

Cũng theo bà Ánh, thời điểm ô nhiễm đỉnh điểm đã thay đổi – nếu trước đây thường rơi vào 6-8 giờ sáng thì nay dồn nhiều vào khung giờ 9-12 giờ. Giao thông và thời tiết được xác định là hai yếu tố then chốt gây ra ô nhiễm cực đại tại Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn nghiên cứu của của ông cho thấy, ô nhiễm giao thông phân hóa rõ theo thời gian và phương tiện. Ban ngày, là nguồn phát thải chủ yếu; ban đêm, xe tải hạng nặng chiếm ưu thế. Đặc biệt, xe máy là phương tiện phổ biến nhất nhưng thải khí trực tiếp mà không qua xử lý, trong khi phần lớn ô-tô đã có thiết bị lọc khí thải. Ngoài ra, tốc độ di chuyển chậm, chỉ khoảng 35km/giờ, khiến phương tiện tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, làm tăng lượng phát thải.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện là cần thiết để thực thi Chỉ thị 20/CT-TTg vừa được Thủ tướng ban hành. Với gần 70 triệu xe máy đang lưu thông trên cả nước, đa phần chưa qua kiểm soát khí thải, đây là bài toán cấp bách. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế, đồng thời phải giải quyết bài toán về trạm sạc, nguồn điện, tái chế và xử lý pin thải, tất cả đều cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng, số xe máy hiện ước tính khoảng 6,9 triệu chiếc, riêng vành đai 1 có khoảng 450.000 xe. Thành phố sẽ triển khai theo lộ trình gồm: Khảo sát người dân; hoàn thiện chính sách; nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng tiêu chuẩn và kiểm định khí thải xe máy; và tăng cường tuyên truyền.

 Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm.

Liên quan đến hạ tầng, hiện Hà Nội có khoảng 1.000 trụ sạc các loại. Thành phố đang rà soát bến bãi trong khu vực vành đai 1 để bố trí công cộng. Ông Thành lưu ý, không khuyến khích sạc trong hầm chung cư và đang tính đến phương án cải tạo hạ tầng điện, tận dụng không gian công cộng để lắp đặt trạm sạc.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ không chỉ loại bỏ xe máy xăng mà còn hạn chế ô-tô cá nhân vào vùng lõi bằng cách tăng phí. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ chuyển toàn bộ xe buýt sang sử dụng điện hoặc khí sạch từ nay đến 2030, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt công trình xây dựng vi phạm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, lượng hành khách đi tàu điện đang tăng đều qua từng năm. Thành phố cần phát triển hệ thống kết nối linh hoạt như xe buýt điện mini và hỗ trợ các loại xe điện cá nhân dưới 30km/giờ để giúp người dân giảm phụ thuộc vào xe máy xăng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lượng, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ thêm các bài học quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay Ấn Độ đều có lộ trình rõ ràng, hỗ trợ tài chính cho người dân và đầu tư mạnh vào pin, hạ tầng sạc. Việt Nam cần công khai lộ trình, hỗ trợ trải nghiệm thực tế và ưu tiên nhóm thu nhập thấp.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-phap-thuc-day-chuyen-doi-xe-xang-sang-xe-dien-post895192.html