Sàng lọc Covid tại nơi chữa bệnh
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện trên toàn quốc, về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ tiếp tục xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo lãnh đạo các cơ sở y tế, bệnh viện (BV) địa phương khẩn trương triển khai nhiều giải pháp.
Không chủ quan, lơ là
Theo đó, toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục đề cao cảnh giác đối với người đến khám chữa bệnh, đặc biệt lưu ý những người bệnh có tiền sử trở về từ những nước và vùng lãnh thổ có số người mắc bệnh cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Ý, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Đức…
Cụ thể, tăng cường hướng dẫn, tập huấn và chỉ đạo nội dung chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đặc biệt là các văn bản của Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19; ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Đặc biệt lưu ý quán triệt thực hiện tại tất cả loại hình tổ chức cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân như bố trí khu vực riêng và tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh ngay tại nơi tiếp đón người bệnh tới khám (khoa khám bệnh) trước khi người bệnh được phát số thứ tự chờ khám bệnh; bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp ho, sốt chưa rõ nguyên nhân tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, việc hơn 3.000 cán bộ y tế ở TP Vũ Hán - Trung Quốc bị lây nhiễm hay các ca lây nhiễm với tốc độ chóng mặt tại Hàn Quốc là bài học cho Việt Nam. Dù đã điều trị khỏi cho 16 bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng đó mới chỉ là thắng lợi bước đầu, chặng đường trước mắt còn dài.
"Các cơ sở y tế phải tiến hành những biện pháp phòng ngừa, cách ly ngay sau khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu của ca bệnh nghi ngờ. Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu phải ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh, quản lý người bệnh và báo ngay cho trung tâm kiểm soát bệnh tật của địa phương để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh phù hợp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý người bệnh" - PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
100% người dân được thực hiện sàng lọc
ThS-BS Âu Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết điểm mới trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại BV hiện nay là tăng cường sàng lọc để phát hiện những ca nghi nhiễm Covid-19 hoặc những ca có thể mắc.
Theo đó, 100% người dân (người bệnh, người nhà của người bệnh, người thăm bệnh…) đều được thực hiện sàng lọc về yếu tố dịch tễ khi đến BV. Người bệnh nào có yếu tố dịch tễ sẽ được sàng lọc tiếp bước thứ 2 (đi chi tiết vào từng vùng dịch tễ). Trường hợp nào nghi ngờ, người bệnh sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn đến phòng khám cách ly để được khám kỹ lại. Nếu nằm trong tiêu chuẩn là ca nghi ngờ sẽ được tư vấn các giải pháp phù hợp với tình trạng người bệnh.
Thông tin về tình hình dịch bệnh được các BV phát liên tục qua màn hình tivi đặt trước phòng khám, hành lang BV. Người bệnh nội trú cũng được thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng ngừa, tránh lây nhiễm. Khuyến cáo hạn chế người nhà, người đến thăm bệnh vào thời điểm này.
TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115 TP HCM, cho hay trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngoài tăng cường kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, an toàn vệ sinh trong BV cho người bệnh, BV đã tạm dừng hoạt động các CLB dành cho người bệnh như CLB viêm gan, đái tháo đường, thận, tim mạch…
Trong khi đó, BV Đại học Y Dược TP HCM, nơi hằng ngày tiếp nhận khám chữa bệnh hàng ngàn bệnh nhân, bên cạnh việc sàng lọc, BV cũng tăng cường khâu vệ sinh, khử khuẩn để bảo đảm an toàn cho người đến khám, điều trị bệnh. Người bệnh và người nhà của người bệnh được hướng dẫn cách vệ sinh tay, sử dụng khẩu trang đúng cách (video hướng dẫn về nội dung này được phát thường xuyên trên hệ thống tivi đặt nhiều nơi trong BV). Các thiết bị vệ sinh tay được trang bị ở tất cả phòng bệnh nội trú, phòng khám và khu vực công cộng (cửa ra vào khu vực khám bệnh, quầy tiếp đón người bệnh, khu vực chờ, hành lang, thang máy, nhà vệ sinh…), dung dịch vệ sinh tay chứa cồn cũng được trang bị ở nhiều vị trí trong BV. Toàn bộ thang máy được vệ sinh khử khuẩn 3 lần/ngày, tay vịn và nút bấm thang máy là các vị trí tiếp xúc nhiều với người bệnh được lau khử khuẩn mỗi 30 phút/lần, các nút bấm đều được dán miếng plastic để dễ dàng cho việc vệ sinh.
Riêng ở mỗi phòng bệnh, màn che, cửa sổ, khu vực tường, tủ cá nhân, bàn, ghế - đặc biệt là giường bệnh, trang thiết bị y tế - được vệ sinh khử khuẩn bề mặt tối thiểu 2 lần/ngày và toàn bộ phòng bệnh sẽ được vệ sinh tổng thể hằng tuần.
Công tác vệ sinh tại BV Đại học Y Dược được Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV giám sát thường xuyên để bảo đảm người bệnh luôn được điều trị trong môi trường an toàn.
Đừng ngại đi khám trong mùa dịch
Trong mùa dịch nên nhiều người lo lắng khi tới BV. Đặc biệt người lớn tuổi có các bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch... không dám đi tái khám mà chọn cách mua lại thuốc theo đơn thuốc cũ về uống hoặc tự ý ngừng thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe. Các bác sĩ khuyến cáo hiện nay BV nào cũng tăng cường việc kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm bảo đảm môi trường điều trị an toàn nên người dân không nên lo lắng thái quá.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/sang-loc-covid-tai-noi-chua-benh-20200304205002164.htm