Sàng lọc để nâng chất

Bộ Nội vụ vừa đề xuất quy định sát hạch, sàng lọc cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã. Theo đề xuất, 85% nhiệm vụ của cấp huyện sẽ được đưa về cấp xã.

Trong đó, sẽ có những nhiệm vụ khó, mang tính bao quát và nhạy cảm hơn. Do đó, yêu cầu chất lượng cán bộ cấp xã lúc này phải vừa có tính chuyên môn vừa bao quát và việc rà soát, sàng lọc cũng phải chính xác, khách quan để lựa chọn được nhân sự đủ chất lượng.

Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Bộ Nội vụ soạn thảo và gửi lấy ý kiến cũng chỉ rõ, bên cạnh nguyên tắc quản lý và chính sách đối với cán bộ, công chức, dự thảo đặt ra quy định về sát hạch để sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống. Cùng với đó là tinh giản công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn. Cho thấy, việc tinh gọn và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vô cùng quan trọng trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương sắp tới chỉ còn 2 cấp.

Cán bộ, công chức cấp xã là những người gần dân nhất, trực tiếp triển khai thực hiện và đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời trực tiếp lắng nghe, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở hoặc kiến nghị lên cấp cao hơn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền. Do đó, đội ngũ này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sự vững mạnh của chính quyền cấp xã là nền tảng vững mạnh của hệ thống chính trị mà cán bộ, công chức là nhân tố quyết định.

Trong những năm qua, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng ngày càng được nâng cao nên hầu hết đều có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết và có trách nhiệm trong công tác, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, ở không ít địa phương, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trình độ chuyên môn và năng lực của cán bộ còn hạn chế. Dẫn đến kỹ năng quản lý, xử lý công việc hành chính và tiếp dân còn bất cập và chưa cập nhật thường xuyên các quy định, chính sách mới của Nhà nước. Một bộ phận không nhỏ cán bộ còn làm việc theo lối hành chính máy móc, thiếu linh hoạt trong giải quyết vấn đề, có tâm lý e ngại đổi mới, chưa chủ động đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả công việc… Thậm chí còn biểu hiện quan liêu, xa dân hay nhũng nhiễu, gây khó dễ khi giải quyết thủ tục hành chính.

Thực tiễn đòi hỏi, khi chuyển khối lượng công việc rất lớn từ cấp huyện về cấp xã thì đòi hỏi trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ cấp xã cũng phải tương xứng. Bởi khi quản lý một địa bàn rộng với quy mô dân số lớn như dự kiến sắp tới thì ngoài bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp xã cũng phải có kiến thức rộng, tư duy nhạy bén và hướng đến một nền quản trị hiện đại. Xa hơn, thì tầm nhìn và trình độ của lãnh đạo chính trị cấp xã cũng phải được nâng lên như cấp huyện, thậm chí là cấp tỉnh.

Để cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thì việc tinh giản công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn là một hướng đi cần thiết vì điều này sẽ giúp thanh lọc những cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả. Song song đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng phải được đặc biệt chú trọng, bởi đây vừa là mục tiêu cơ bản lâu dài vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong tình hình hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đang diễn ra thần tốc với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171055/sang-loc-de-nang-chat