Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy vừa phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội tổ chức lớp 'Tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền vận động, theo dõi, quản lý đối tượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh' cho 100 cộng tác viên dân số 8 phường trên địa bàn quận.

Trang bị kỹ năng chuyên sâu cho CTV dân số

Đây là một trong những hoạt động thường niên được Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy tổ chức hàng năm nhằm nâng cao các kỹ năng chuyên sâu cho đội ngũ cộng tác viên dân số trong việc triển khai, thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn quận, góp phần đạt chỉ tiêu về dân số được giao năm 2023 và các năm tiếp theo.

ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình) phổ biến về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đối với các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ cho các cộng tác viên dân số. (Ảnh: M.Nhật)

ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình) phổ biến về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đối với các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ cho các cộng tác viên dân số. (Ảnh: M.Nhật)

Theo ThS.BS Nguyễn Tân Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Cục Dân số) việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất cần thiết, giúp trẻ em sinh ra phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tại buổi tập huấn, các cộng tác viên dân số đã được ThS.BS Nguyễn Tân Sơn phổ biến về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đối với các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ, giúp can thiệp kịp thời và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh.

Buổi tập huấn trang bị cho các cộng tác viên dân số các kỹ năng tuyên truyền, tư vấn và theo dõi, quản lý đối tượng, giới thiệu một số bệnh đang được triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang được triển khai trên địa bàn Thành phố.

Nâng cao chất lượng dân số Thủ đô

Theo Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ phát hiện trẻ bị dị tật không phải là nhỏ. Việc sàng lọc trước và sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao. Về quy mô dân số, năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR: 2,1 con). Về cơ cấu dân số, Hà Nội đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: tỉ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) năm 2022 là 110,8/100, dự kiến 2023 là 112/100. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, dự kiến, năm 2023 tỉ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 83%, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.

Theo chuyên gia, sàng lọc trước sinh là việc sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở giai đoạn bào thai như hội chứng Down (tam bội thể 21), hội chứng Edwards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 13) và dị tật ống thần kinh..., từ đó tham vấn cho gia đình chọn hướng xử trí kịp thời và thích hợp.

Hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao.

Hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao.

PGS.TS Trần Danh Cường - Trưởng bộ môn Sản, Trường Đại học Y Hà Nội sàng lọc trước sinh có ý nghĩa rất lớn bởi hiện chúng ta không đủ nguồn lực để làm chẩn đoán trước sinh cho tất cả các phụ nữ có thai, vì vậy cần phải sử dụng các biện pháp sàng lọc để xác định những nguy cơ của phụ nữ trong thai kỳ, đặc biệt là những bất thường về nhiễm sắc thể mà ở đây cần quan tâm nhất là hội chứng down - tức là hội chứng lệch bội nhiễm sắc thể 21.

Những phương pháp sàng lọc hiện nay chủ yếu nhằm phát hiện ra những thai nhi có nguy cơ bị lệch bội nhiễm sắc thể 21 để tiến hành các biện pháp chẩn đoán như sinh thiết qua nhau thai, lấy nước ối bằng phương pháp dịch ối để làm xét nghiệm nhiễm sắc đồ, qua đó khẳng định chẩn đoán. Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, sản phụ nên đi khám sàng lọc khi mang thai ở tuần thứ 11 - 14, tốt nhất là từ tuần thứ 12 - 13. Sàng lọc trong giai đoạn này bao gồm siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào thời điểm thai nhi 11 - 13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down cũng như một số bệnh lý khác.

Ngoài ra, thai phụ nên thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 - 21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 - 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương...

Hà Anh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/sang-loc-truoc-sinh-va-so-sinh-gop-phan-nang-cao-chat-luong-dan-so-172231219222934117.htm