Sáng mai (6/8) chính thức công bố kết quả, xác định nguyên nhân ô nhiễm Đập Dâng - Ngàn Trươi
Ngoài Ban 4 và nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt thì nhà máy sắt Vũ Quang cũng là một trong những 'tác nhân' nghi vấn khiến nước Đập Dâng ô nhiễm. Tuy nhiên, kết quả quan trắc cho thấy thông số sắt tại đây không hề vượt ngưỡng.
Xuất hiện thêm “tác nhân” nghi vấn
Đã 10 ngày kể từ thời điểm cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh tiến hành lấy mẫu nước quan trắc (lấy mẫu vào chiều 25/7), tìm tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại đập Dâng công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng trên địa bàn huyện Vũ Quang), đến nay, kết quả quan trắc vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, theo thông tin báo Người Đưa Tin nắm được, sáng ngày mai (6/8), UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức cuộc họp giữa các ngành và đơn vị liên quan công bố kết quả quan trắc này, trên cơ sở khoa học sẽ có những đánh giá, xác định về nguyên nhân gây ô nhiễm.
Trong lúc chờ kết quả chính thức từ cơ quan chức năng tỉnh này, ngoài 2 tác nhân được nhận định trước đó khiến nước đập Dâng ô nhiễm là do công ty gỗ MDF Thanh Thành Đạt (cụm công nghiệp xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang) xả thải và lượng mùn thối rữa đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi mà quá trình vệ sinh, thu dọn lòng hồ trước đó do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) làm chủ đầu tư triển khai chưa đảm bảo thì một “tác nhân” khác cũng đang được dư luận hoài nghi đó là lượng sắt “rò rỉ” chảy ra từ Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang (thuộc Cty CP Gang thép Hà Tĩnh) bị bỏ hoang từ năm 2012 đến nay.
Theo ghi nhận thực tế, Nhà máy sắt Vũ Quang đóng trên địa bàn thôn 1, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang. Vị trí nhà máy này nằm phía dưới hồ Ngàn Trươi. Trên diện tích 19ha, trong khuôn viên nhà máy, những đống quặng sắt thô khổng lồ cùng các giàn máy móc đồ sộ nằm “phơi mưa phơi nắng”. Nhiều hạng mục như hệ thống đập, nghiền, sàng quặng, lò đốt thiêu kết, các dây chuyền thiết bị của nhà máy cũng đã hư hỏng, hoen gỉ. Hiện, nhà máy này vẫn tồn 8 vạn tấn quặng sắt, trong đó 4 vạn tấn thành phẩm, số còn lại bán thành phẩm, chất đống ngoài trời và không được che chắn.
Thông số Fe tại Nhà máy sắt Vũ Quang không vượt ngưỡng
Trước những nghi vấn, lượng sắt “rò rỉ” từ Nhà máy quặng sắt Vũ Quang chảy ra khe Hói Trươi đổ vào đập Dâng gây ô nhiễm, một cán bộ của đoàn công tác cho biết trước đó, nhận định này cũng đã được đưa ra và sở TNMT cũng đã rất nhiều lần phối hợp với phòng TNMT huyện, kiểm tra thực địa tại đây.
Theo cán bộ này, tuy không còn hoạt động nhưng lượng nước mặt của nhà máy sắt vẫn đều đi qua hệ thống thu gom là hồ điều hòa, sau đó mới chảy ra khe Trươi rồi chảy vào đập Dâng. Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra rất kỹ xung quanh khu vực nhà máy và không hề có hiện tượng “rò rỉ”. Điểm cuối cùng xả ra khe Hói Trươi của nhà máy sắt nước rất trong, không hề có hiện tượng nước hay mảng bám đỏ đục như ở đập Dâng. Ngoài ra, trong tất cả kết quả quan trắc trước đó lấy tại vị trí dưới Nhà máy sắt Vũ Quang đều cho kết quả thông số sắt không vượt ngưỡng. Thông số sắt chỉ vượt ngưỡng tại vị trí tràn Đập Dâng, trước nhà máy nước Vũ Quang và cống xả hồ Ngàn Trươi.
“Chúng tôi đã rất nhiều lần lấy mẫu quan trắc nhưng công bố chính thức thì 2 lần. Tất cả các kết quả quan trắc tại vị trí dưới Nhà máy sắt Vũ Quang đều cho thông số sắt không vượt ngưỡng. Đặc thù của huyện Vũ Quang toàn vỉa mỏ sắt, nên sau trận mưa lớn, bị bào mòn trôi xuống, sẽ cho thông số sắt trong nước cao. Nhưng khi hết mưa, lượng sắt này lắng hết, gặp ánh nắng mặt trời sẽ bốc hơi hết”, vị cán bộ này nói.
Trong sáng ngày mai, kết quả quan trắc được lấy vào ngày 25/7 – thời điểm xuất hiện hiện tượng nước đập Dâng chuyển màu đỏ đục, hôi thối sẽ được UBND tỉnh này công bố.
Như đã đưa tin, thời gian qua, nước tại Đập Dâng - Ngàn Trươi Cẩm Trang chuyển màu đỏ đen, bốc mùi hôi thối. Việc ô nhiễm nguồn nước tại dự án nước đa mục tiêu, ngoài thủy lợi còn là nước sinh hoạt phục vụ cho hơn 300 hộ dân thị trấn Vũ Quang và nước tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân của 6 huyện bắc Hà Tĩnh khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng. Đây không phải lần đầu tại đây xảy ra hiện tượng nước ô nhiễm, trước đó, từ ngày 13 - 16/5, nước Đập Dâng cũng chuyển màu đỏ đục. Kết quả quan trắc tại thời điểm này, 2 mẫu nước tại vị trí tràn Đập Dâng và dưới Nhà máy gỗ MDF có thông số COD vượt ngưỡng cho phép 1,07 lần. Ngoài ra, 3 mẫu nước tại vị trí tràn Đập Dâng, trước nhà máy nước Vũ Quang và cống xả hồ Ngàn Trươi cũng đều có thông số Amoni (NH4) và Sắt vượt ngưỡng. Tuy nhiên, sau đó, nước đập Dâng tiếp tục chuyển màu đỏ đục, hôi thối. Chiều 25/7, sở ban ngành tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra thực địa và tiếp tục lấy mẫu nước quan trắc.