Sáng mãi ký ức C90 anh hùng
Cách đây vừa tròn 52 năm, mùa xuân lịch sử Mậu Thân 1968 tại Pleiku, tỉnh Gia Lai còn khắc ghi cuộc chiến đấu anh dũng 'cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh' của Đại đội đặc công 90 (C90) -khu 9. Chúng tôi có dịp ghi lại chuyện kể của cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương-nhân chứng của trận đánh lịch sử này.
Những năm tháng hào hùng
Tiếp chuyện PV, cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương cho biết: Đại đội đặc công 90 được thành lập vào cuối năm 1967, tỉnh giao về khu 9 chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy khu 9-nay là Thành ủy Pleiku. Đại đội bí mật đóng quân khu vực xã Gào, với nhiệm vụ củng cố xây dựng địa bàn, làm bàn đạp cho các lực lượng của ta triển khai các cuộc đấu tranh chính trị, chiến đấu vũ trang, để tiêu diệt các căn cứ của địch. “Tổng quân số biên chế tại thời điểm này là 54 đồng chí, trong đó 1/3 là anh em người Jrai và Bahnar, 1/3 là anh em người kinh từ miền Bắc vào, 1/3 là anh em người kinh các tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên”- Cựu chiến binh Lương nhớ lại.
Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam, đầu năm 1968, Đại đội hành quân về xã Gào nhận nhiệm vụ mới. Các tổ trinh sát được đơn vị phân công vào khu vực căn cứ của địch ở trung tâm Pleiku vẽ sơ đồ, chuẩn bị các mục tiêu để đơn vị lên phương án tác chiến.
Ông Lương bồi hồi nhớ lại: “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại đội trưởng Lê Văn Kim và Chính trị viên Nguyễn Văn Thu, chiều tối 30 Tết Mậu Thân 1968, trừ số anh em bị bệnh không ra trận và anh em giữ nhiệm vụ chốt tại đơn vị, số còn lại 47 cán bộ chiến sĩ C90 rời điểm đóng quân tại làng Osơr xã Gào bắt đầu lặng lẽ tiến vào trung tâm Pleiku bước vào trận đánh đầu xuân. Triển khai nhiệm vụ cho đơn vị, Đại đội trưởng nhận định đây sẽ là một trận đánh lớn”.
Sau vài giờ hành quân, Đại đội 90 chia làm nhiều mũi, nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu, ém quân sẵn sàng tác chiến, không để địch hay biết. Đúng 0 giờ đêm 30 Tết, tiếng bộc phá phát lệnh nổ rung chuyển mặt đất. Thời khắc lịch sử đã tới, các mũi chiến đấu đồng loạt xông lên, đánh thọc sâu vào sào huyệt của địch như Tòa hành chính, Ty Ngân khố, Tiểu đoàn bảo an, Khu đại đội thám báo biệt kích, Nhà lao Pleiku, Ty cảnh sát. Các khu vực này ngập chìm trong khói lửa. Địch hoàn toàn bất ngờ, không biết lực lượng và hướng đánh của ta thế nào, nên chống cự yếu ớt và bỏ chạy tán loạn…
Trong đêm, C90 đã tiêu diệt và làm chủ các mục tiêu được phân công, đồng thời giải thoát cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch giam tại Nhà Lao Pleiku. Tuy nhiên khi trời rạng sáng, C90 không thể liên lạc với các đơn vị bạn. Đại đội trưởng quyết định cho đơn vị chốt lại vị trí có nhiều hầm và bao cát, nhiều cây cối (bây giờ là Trường THPT chuyên Hùng Vương) để tiếp tục chiến đấu. C90 khẩn trương củng cố công sự và vũ khí. Đại đội trưởng, Chính trị viên đến từng vị trí kiểm tra, nhắc nhở: “Địch chắc sẽ phản kích mạnh. Cuộc chiến đấu sáng nay sẽ vô cùng ác liệt. Các đồng chí không ai được rời vị trí nếu không có lệnh. Có hy sinh thì hy sinh tại đây”.
Như chỉ huy đã nhận định, ngay từ sáng sớm, trực thăng địch từ các nơi dồn dập đổ quân vào khu vực ta chốt quân. Máy bay địch bay do thám địa bàn và đã phát hiện quân ta. Từ trực thăng chúng bắn xối xả xuống trận địa. C90 bình tĩnh bắn trả nên trực thăng không dám bay thấp. Khoảng gần trưa, xe tăng từ hướng đường Sư Vạn Hạnh-Hùng Vương và Lý Thái Tổ kéo vào, nã pháo về hướng quân ta. C90 tiếp tục kiên trì bám trụ và bắn cháy nhiều xe tăng, đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch. Sau đó, Đại đội trưởng Lê Văn Kim bị thương nặng không qua khỏi, trước khi tắt thở đã động viên bộ đội giữ vững tinh thần chiến đấu. Chính trị viên Phó Lê Đình Sen cũng hy sinh ở thời khắc này...
Ông Lương bùi ngùi nhớ lại: “Đến gần tối, cuộc oanh kích điên cuồng của địch mới ngừng. Tôi tỉnh lại trong căn hầm tối mịt, cố hết sức cựa mình và thấy anh em hy sinh rất nhiều. Trong cơn đau buốt toàn thân, tôi dùng tay bới một lúc mới có ánh sáng le lói và trườn lên giữa khói đạn nồng sặc. Khó nhọc, chập choạng mới nhận ra Chính trị viên Nguyễn Văn Thu, cùng Trung đội trưởng Châm và một vài đồng chí may mắn sống sót. Anh em đi từng hầm kiểm tra kỹ và xác định đồng đội đã hy sinh hết. Đại đội chỉ 7 người còn sống, nhưng 4 đồng chí bị thương, và tất cả đều đã kiệt sức. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành gạt nước mắt để đồng đội nằm lại mà đi, lần dò xuống hướng bờ suối thì trời sáng. Sau đó cứ ban ngày thì ẩn nấp theo bờ suối, dưới những lùm cây, khu vực hố xí nhà dân, chịu cái đói và đau buốt toàn thân, đêm lại di chuyển, ròng rã 7 ngày đêm mới về nơi đơn vị xuất phát là làng O Sơr, xã Gào…
Qua nguồn tin của ta báo về, sáng mùng 2 Tết, địch mới vào khu vực trận địa. Chúng đưa xác bộ đội C90 về tập trung tại sân vận động Pleiku, sau đó xúc lên xe tải chở về hướng Hội Phú chôn lấp tập thể. Đây chính là khu vực sau này ta đã lập Đền tưởng niệm liệt sỹ Hội Phú hiện nay.
“Bảy anh em còn lại trong Đại đội 90 lúc ấy, sau đó nhiều người đã mất. Chính trị viên Nguyễn Văn Thu-quê ở Nghệ An bị thương ra Bắc điều trị và nhiều năm qua tôi không liên lạc được. Riêng Đại đội phó Nguyễn Văn Xuân đang ở tỉnh Hà Nam, là người duy nhất thỉnh thoảng tôi còn giữ liên lạc qua điện thoại…” - Ông Nguyễn Thế Lương cho hay.
Người trong cuộc hôm nay
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương nay đã ngoài 70 tuổi. Ông quê Hải Phòng, vào bộ đội và từng học Trường Hạ sĩ quan Hòa Bình, được phiên bậc Hạ sĩ Tiểu đội phó vào năm 1966. Hành quân từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, được cấp trên phân công về Đại đội đặc công 90 về khu 9. Trong trận đánh Mậu Thân 68, ông là Tiểu đội phó, trực tiếp tham gia mũi tiến công đánh vào Nhà lao Pleiku và góp phần giải thoát cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm tại đây.
Sau trận đánh ấy, ông được phân công về một số đơn vị trực thuộc Tỉnh đội Gia Lai. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông về công tác tại Trường Quân sự tỉnh Gia Lai, rồi tiếp tục về Ban Tài vụ Tỉnh Đội Gia Lai. Đến năm 1991, ông nghỉ hưu với cấp bậc Đại úy, về cư trú tại phường Yên Đỗ đến nay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Yên Đỗ cho biết: “Ông Nguyễn Thế Lương đã phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ, luôn nhiệt tình và tận tâm với công việc của địa phương. Từ năm 1999 đến nay, ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như Đại biểu HĐND phường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường; đặc biệt nhiều năm là bí thư chi bộ tổ dân phố. Quá trình tham gia cách mạng, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen... Tại địa phương, ông nhiều lần được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban ngành của TP. Pleiku và phường Yên Đỗ biểu dương, khen thưởng”.
Thay lời kết
Hơn 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh xuân Mậu Thân 1968 của Đại đội đặc công 90 như vẫn còn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương. Đơn vị ông đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch và làm chủ các mục tiêu được giao, cũng như giải thoát cho các chiến sĩ cách mạng bị cầm tù. Nhưng với trận chiến đấu ấy, C90 cũng đã tổn thất nặng nề, 40 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh với tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương bày tỏ niềm mong mỏi: “Cán bộ chiến sĩ Đại đội đặc công 90 đã yên nghỉ lại trên mảnh đất Pleiku thân yêu và sống mãi trong lòng nhân dân Pleiku. Tôi và những anh em còn sống rất mong ban, ngành và cấp thẩm quyền TP. Pleiku sớm thống nhất quyết định cho xây dựng bia tưởng niệm tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, để các thế hệ hôm nay và mai sau biết đến chiến công oanh liệt, cùng sự hy sinh anh dũng của 40 liệt sỹ trong trận đánh Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm lập hồ sơ, đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ nhân dân cho C90, để góp phần tưởng nhớ, ghi công và tôn vinh các liệt sỹ đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202001/sang-mai-ky-uc-c90-anh-hung-5666690/