Sáng mãi tấm gương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

Trong chiến tranh, dưới chế độ nhà tù hà khắc được coi là 'địa ngục trần gian', các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn kiên trung, giữ vững phẩm chất, khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Khi đất nước hòa bình, dù những trận đòn tra tấn nơi chốn lao tù bào mòn sức khỏe, nhưng cựu tù chính trị vẫn cống hiến tâm sức của mình xây dựng quê hương. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn là 'cách chim không mỏi', quan tâm và chia sẻ khó khăn với đồng chí, đồng đội.

Tự hào về người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

Tham gia cách mạng khi tuổi còn đôi mươi, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Minh (nay là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng)) chưa lượng hết được sự tàn khốc của chiến tranh nhưng trong đầu cũng định hình rằng làm cách mạng thì chấp nhận hy sinh. Ông Minh vẫn còn nhớ, năm 1970, ông bị địch bắt giam ở Khám lớn Sóc Trăng hơn 1 năm mới được thả ra. Uống ngụm nước, mắt nhìn xa xăm, những “thước phim” năm tháng bị địch bắt tù đày như hiện ra trước mắt. Ông Minh chậm rãi kể: “Khi bị địch bắt, tôi mới 22 tuổi. Mấy ngày đầu đưa vô khám lớn, chúng tra tấn tôi bằng nhiều hình thức: châm điện làm đầu óc quay cuồng, dùng nhiều dụng cụ đánh trên đầu, toàn thân mà đến nay vết tích của những trận “mưa đòn” vẫn còn hằn trên cơ thể tôi. Chúng còn giam tôi trong phòng tối suốt 1 tháng trời, đây là hình thức tra tấn tinh thần”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) nhiệt tình với công tác hội. Ảnh: THẾ BẰNG

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) nhiệt tình với công tác hội. Ảnh: THẾ BẰNG

Còn ông Lê Văn Điểm (hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) đã có gần 4 năm bị đày ra Trại giam Phú Quốc, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, không chỉ chịu liên tục, mà ông còn phải trải qua nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man chẳng khác gì thời trung cổ nhưng vẫn giữ vững lập trường, không hoang mang, lo sợ trước quân địch.

Trong hệ thống ngục tù kiên cố, những chiến sĩ cách mạng chịu tra tấn nhiều hơn ăn cơm, nhưng họ vẫn nhường nhau từng miếng cơm, manh áo, giúp nhau khi khó khăn, bệnh tật để tồn tại và có sức khỏe nuôi dưỡng ý chí đấu tranh. Trong nhà giam, quân địch đều đưa người xuống chiêu hồi, nói về những chính sách khoan hồng, nhưng những người tù vẫn giữ vững khí tiết, nhất quyết không lung lay trước sự dụ dỗ của địch. Điều gì khiến họ vượt qua sự tàn bạo của kẻ thù khi bị giam cầm? Chính là niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào chiến thắng của cách mạng. Vì thế, họ chịu đau đớn một mình, không vì cá nhân làm ảnh hưởng đến tập thể.

Tự lực vươn lên, quan tâm, chia sẻ khó khăn với hội viên

Tiếp chuyện tôi tại nhà riêng, bà Lê Thị Thuyết - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Trần Đề chia sẻ về tình hình chung của hội viên. Hiện nay, đa số hội viên của hội tuổi đã cao, sức khỏe kém. Hội có 114 hội viên, ít tuổi nhất cũng hơn 60, cao tuổi nhất cũng hơn 80 tuổi. Tuy nhiên, điều bà thấy tự hào là anh, chị, em hội viên rất nhiệt tình với hội, còn cái đáng quý nữa là đa số có tính tự lực cao. Nhiều hội viên tuổi đã cao nhưng chưa chịu nghỉ ngơi, mà vẫn hăng say lao động. Bà cũng điểm qua nhiều hội viên trước đây lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nay có đời sống kinh tế ổn định.

“Minh chứng là ông Lê Văn Điểm ở xã Lịch Hội Thượng. Hiện ông đã bước sang tuổi 84, nhưng chăm làm kinh tế, thu nhập bình quân của gia đình 70 - 80 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi tôm. Ông lớn tuổi rồi nhưng vẫn đi làm đều đều, vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Không chỉ vậy, ông còn vận động người thân hỗ trợ, bình quân mỗi năm 30 - 40 triệu đồng để lo cho hội viên và người có hoàn cảnh khó khăn - bà Thuyết dành lời khen khi nhắc tới ông Điểm.

Bà Thuyết cũng kể về hoàn cảnh của ông Nguyễn Hoàng Minh, xã Thạnh Thới An, cả hai vợ chồng đều là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Chính sự cần cù lao động, hiện ông bà cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 18 công ruộng, chăn nuôi heo và trồng bông súng. Ông Minh chia sẻ: “Ruộng tôi làm không thuê mướn gì, tự tôi đào đất đắp bờ, gieo sạ, dặm lúa, chỉ thuê máy cắt và xới đất thôi. Rồi tận dụng ao gần nhà, tôi trồng bông súng, nuôi cá, bán lai rai mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng. Tôi còn nuôi thêm heo, không nuôi xuyên suốt mà theo đợt, mỗi đợt nuôi từ 7 - 15 con”.

Người dân, hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xã Thạnh Thới An không chỉ quý ông Minh ở sự cần cù mà còn trọng ông ở sự tận tình với mọi người. Khi đảm nhận vai trò nào, ông cũng đều tập trung làm tốt. Là Chủ tịch Hội, ông có cuốn sổ riêng ghi chép đầy đủ thông tin từng hội viên, hoạt động của hội. Khi mới thành lập, hội có 60 hội viên, đến nay còn 28 hội viên. “Số hội viên đời sống khó khăn còn 2 hội viên, 26 hội viên còn lại đời sống ổn định. Tôi cũng đã tham mưu, đề xuất với xã xét hỗ trợ nhà ở cho hội viên khó khăn là bà Trần Thị Đến. Hiện bà Đến đã được hỗ trợ 40 triệu đồng cất nhà. Do hội viên ai cũng già yếu, nên tôi triển khai anh em lập quỹ thăm hỏi hội viên khi đau ốm, từ trần, anh em đồng tình tham gia. Cái được nữa là tôi kết nối với mạnh thường quân thực hiện công tác từ thiện. Riêng năm 2022, tôi vận động trao tặng quà, gạo, tiền mặt cho hội viên, người già neo đơn, người tàn tật, hộ nghèo trị giá trên 80 triệu đồng” - ông Minh thông tin.

Điều đáng trân quý ở những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính là không khuất phục, tinh thần tự lực mạnh mẽ. Bên cạnh đó, quan tâm đến đồng đội, đồng chí, chia sẻ và giúp đỡ nhiệt tình. “Ông Minh và ông Điểm là cán bộ, hội viên rất tích cực với công tác hội, thương yêu, giúp đỡ mọi người. Cả hai có điểm chung nữa là rất chăm làm, đến nay vẫn “chưa nghỉ hưu””- bà Lê Thị Thuyết chia sẻ.

THẾ BẰNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/sang-mai-tam-guong-chien-si-cach-mang-bi-dich-bat-tu-day-64274.html