Sáng mãi tinh thần người cộng sản kiên trung
Trong các thế hệ tiền phong thời dựng Đảng, Đảng bộ và quê hương Hà Tĩnh tự hào có 2 Tổng Bí thư của Đảng: Đồng chí Trần Phú và đồng chí Hà Huy Tập. Trên cương vị của mình, các đồng chí đã có nhiều cống hiến cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam, nêu tấm gương suốt đời chiến đấu, hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc, vì CNXH.
“Linh hồn” của bản Luận cương chính trị tháng 10/1930
Đồng chí Trần Phú (1904-1931) là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giác ngộ lý tưởng cộng sản, có đóng góp quan trọng trong quá trình vận động, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí là người tiên phong trong phong trào “Vô sản hóa” ở Việt Nam nửa cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, nhất là việc “Thanh niên hóa” tổ chức Tân Việt, từ một tổ chức yêu nước tự phát đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là linh hồn của Bản Luận cương chính trị tháng 10/1930, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa cách mạng đi tới thắng lợi.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trong buổi đầu Đảng ta mới ra đời với muôn vàn khó khăn, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Phú cùng với Ban Thường vụ Trung ương xác định đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng làm trọng tâm, nhanh chóng xây dựng hệ thống lãnh đạo thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, lập ra các ban chuyên môn của Đảng, như: Ban Tuyên truyền, Công nhân vận động, Nông dân vận động…
Tổng Bí thư Trần Phú đặc biệt chú trọng công tác xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; xây dựng đội ngũ đảng viên tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có đạo đức, lối sống cao đẹp; kiên quyết đấu tranh với khuynh hướng cơ hội, dao động, hữu khuynh, chia rẽ trong Đảng, xa rời lý tưởng cộng sản, xa rời mục tiêu CNXH.
Quan tâm xây dựng sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân và phát huy tinh thần đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội, Tổng Bí thư cùng với Ban Thường vụ Trung ương đã Chỉ thị thành lập “Hội phản đế đồng minh”; đồng thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị về việc tổ chức, xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng như: công hội, nông hội, phụ nữ hội, thanh niên hội, sinh hội, cứu tế hội... Đây là những quyết sách mang tầm chiến lược, tạo lực lượng hậu thuẫn vô cùng hùng hậu, là cội nguồn sức mạnh để tổ chức Đảng tồn tại, tiếp tục phát triển vượt qua được sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù.
Sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong những năm 1930-1931, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định vị thế của Đảng ta trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế. Đó là thành quả của cả một thế hệ tiền phong thời đầu dựng Đảng, trong đó, trước hết là đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú.
Với 27 năm tuổi đời, hơn 8 năm hoạt động cách mạng, gần một năm trên cương vị Tổng Bí thư (từ tháng 10/1930 - 4/1931), đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn trường tồn, trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Nhà tổ chức tài năng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng
Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941) là Tổng Bí thư của Đảng sau các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong. Sau khi Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt và hy sinh, hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở bị phá vỡ, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng các đồng chí của mình tìm cách vượt qua mọi khó khăn, kiên trì đấu tranh để bảo vệ Đảng, từng bước khôi phục tổ chức đảng và xây dựng đường lối của Đảng, xây dựng Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1932), lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đồng chí Hà Huy Tập là người chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị, tổ chức và chủ trì thành công Đại hội đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3/1935.
Đặc biệt, thực tiễn gần 2 năm (từ tháng 7/1936 - 3/1938), trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập thực sự trở thành nhà lý luận, nhà tổ chức tài năng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Sau quyết định chuyển trụ sở cơ quan Trung ương về trong nước hoạt động (tháng 8/1936), Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã tích cực lặn lội trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức đảng ở trong nước và sớm tổ chức lại được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (tháng 10/1936), sau đó là Ban Trung ương (tháng 9/1937). Đến Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, về cơ bản Đ\đảng ta đã khôi phục được hệ thống tổ chức từ Trung ương, các xứ ủy, tỉnh ủy, tạo cơ sở thuận lợi cho sự phát triển tổ chức đảng xuống tận cơ sở huyện, xã.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng, đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp soạn thảo nhiều văn kiện mang tính định hướng chỉ đạo và không ngừng bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí tập trung mọi nỗ lực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận của Đảng; đặc biệt để bảo vệ Đảng, trên diễn đàn công luận, bằng những bài bút chiến sắc bén, đồng chí vừa tích cực uốn nắn những nhận thức sai lệch về tư tưởng, lý luận, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng, vừa đấu tranh với các biểu hiện tả khuynh, “hữu” khuynh và chủ nghĩa cơ hội trong Đảng. Đặc biệt là đấu tranh vạch trần bộ mặt của tờrốtkít đội lốt cách mạng. Tổng Bí thư Hà Huy Tập chỉ đạo xuất bản 2 tờ báo bằng tiếng Pháp là tờ
L’Avant Garde (Tiền phong) và tờ Le Peuple (Nhân dân), đây là các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương, có ý nghĩa to lớn trong đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ động của Đảng, góp phần quan trọng đưa tư tưởng, lý luận chân chính của Đảng thấm nhuần trong mọi đảng viên và đến với quần chúng nhân dân.
Quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, Tổng Bí thư quyết định tổ chức các hình thức mặt trận và các tổ chức quần chúng, lãnh đạo các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân sinh, dân chủ linh hoạt, thích hợp… Sự phát triển của phong trào cách mạng nước ta thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936-1939 đã minh chứng hùng hồn cho những quan điểm sâu sắc, sáng tạo của đồng chí Hà Huy Tập về xây dựng mặt trận và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng.
Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập đã để lại bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân. Ở tuổi 35, đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh với câu nói khảng khái: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”. Đó là thông điệp thể hiện niềm tin mãnh liệt, một khát vọng cống hiến, ý chí chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cộng sản cao cả của người chiến sỹ kiên trung.
Tổng Bí thư Trần Phú và Tổng Bí thư Hà Huy Tập - những người con của quê hương Hà Tĩnh đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng, cho Đảng. Sự hy sinh cao cả của các đồng chí làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng. Mặc dù giữ cương vị Tổng Bí thư trong thời gian không dài và ở những giai đoạn lịch sử đầy thử thách, nhiều biến động phức tạp, nhưng các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó, để lại những di sản vô cùng quý báu với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/sang-mai-tinh-than-nguoi-cong-san-kien-trung-post282120.html